Ngô Thụy Miên là tác giả của những ca khúc lãng mạn, góp gần 100 bản tình ca nổi tiếng vào kho tàng âm nhạc Việt. Chương trình Sol Vàng tháng 3 sẽ là đêm nhạc đặc biệt tôn vinh vị nhạc sĩ tài hoa nhưng thích sống lặng lẽ này.
Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng, trong một gia đình bảy người con mà ông là người con thứ nhì. Ngô Thụy Miên lớn lên trong sự gần gũi với sách vở, thơ văn và do đó tâm hồn ông đã sớm có cơ hội phát triển về lãnh vực nghệ thuật đặc biệt là âm nhạc. Ngô Thụy Miên bắt đầu học nhạc dưới sự chỉ dẫn của các nhạc sĩ Hùng Lân và Ðỗ Thế Phiệt. Thời gian kế tiếp, song song với việc theo học ở trường Nguyễn Trãi và Ðại học Khoa Học, Ngô Thụy Miên thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc. Tám năm sau tốt nghiệp về violon và nhạc pháp, cũng chính trong môi trường âm nhạc đó, ông đã quen với vợ của mình là bà Ðoàn Thanh Vân khi hai người cùng theo học tại đây vào những năm đầu của thập niên 60.
Tình khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác là bài Chiều nay không có em (1965), được giới sinh viên học sinh thời gian đó hưởng ứng rất nồng nhiệt. Ngô Thụy Miên cho biết, ca khúc này cho đến nay vẫn được ông yêu thích nhất vì đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình sáng tác của ông, cũng như ghi lại một quãng đời thơ mộng, một cuộc tình nhẹ nhàng với hình ảnh đường phố, quán nước đầy ắp kỷ niệm của Sài Gòn.
Năm 1969, Ngô Thụy Miên cho xuất bản tập nhạc đầu tay lấy tựa Tình Khúc Đông Quân gồm 12 bản tình ca quen thuộc với thính giả thời bấy giờ như: Giáng Ngọc, Mùa thu cho em, Dấu tình sầu…. Đông Quân cũng chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi qua bút hiệu Ngô Thụy Miên bây giờ.
Sau 1975, Ngô Thụy Miên sang Mỹ định cư và vẫn đều đặn sáng tác tình ca, bởi ông quan niệm âm nhạc của ông là tiếng nói tâm tình của mình, ông viết để sẻ chia những cảm xúc thật của mình. Hơn 40 năm viết tình khúc, khi ở Mỹ nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có thêm một vài nhạc phẩm phổ từ thơ Nguyên Sa, dù đã có nhiều thay đổi trong dòng nhạc và lời ca, nhưng những ai đã từng yêu mến những nhạc phẩm của ông vẫn dễ dàng nhận ra những nét quen thuộc mà chỉ riêng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mới có được.
Nhắc đến Ngô Thụy Miên không thể không nhắc đến Nguyên Sa và mối lương duyên kỳ lạ đã gắn kết thơ và nhạc của họ. Bất cứ sáng tác nào của Ngô Thụy Miên được phổ từ thơ Nguyên Sa như Paris có gì lạ không em, Tuổi 13, Áo lụa Hà Đông, Nắng Paris nắng Sài Gòn, Tình khúc tháng 6, Tháng 6 trời mưa.. đều để lại ấn tượng, gây tiếng vang lớn trong làng nhạc Việt. Chính Ngô Thụy Miên từng không ngớt lời bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nhà thơ Nguyên Sa: “Trong thời gian đi học, tôi đọc thơ của Nguyên Sa nhiều nhất, ngâm nhiều nhất thành ra nó đã thấm vào hồn tôi. Trong bốn thập niên viết nhạc của tôi thì thơ của ông ấy lúc nào cũng bàng bạc ở trong dòng nhạc của tôi. Ngay cả như bên này như tôi viết Nắng Paris, Nắng Sài Gòn cũng mang một âm hưởng của Áo Lụa Hà Đông hay Paris Có Gì Lạ Không Em”.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bày tỏ: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Vì thế, những tình khúc của ông không hề có mục đích thương mại, thoát ra sự gò bó, o ép của việc dùng âm nhạc và lời ca “làm kế sinh nhai” như nhiều nhạc sĩ khác. Sáng tác của Ngô Thụy Miên, vì thế cũng không nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày” mà nó cứ tự nhiên như nhiên chảy như tiếng lòng của người viết.
Có thể nói, Ngô Thụy Miên là nhạc sĩ bí ẩn nhất làng nhạc khi ông luôn có một góc riêng trong cuộc đời, dành riêng cho mình. Cuộc sống của ông nhàn nhã, như một ẩn sĩ ở riêng một góc trời. Ông sống và sáng tác mà không để tâm đến hoạt động showbiz. Đó cũng là nhận định chung của nhiều giọng ca nổi danh cùng dòng nhạc Ngô Thuỵ Miên. Nam ca sĩ Xuân Phú tâm sự: “Phú thường xuyên ở Mỹ, một nửa thời gian mỗi năm là ở bên đó và hát nhạc của chú rất nhiều nhưng dường như chưa có duyên hay sao mà chưa lần nào gặp được chú”.
May mắn là một trong số ít ca sĩ từng được làm việc trực tiếp với Ngô Thụy Miên, nữ ca sĩ Hải ngoại Nhật Hạ chia sẻ: “Nhạc của anh dễ thành hit lắm, từ nhỏ đã yêu thích nhạc Ngô Thụy Miên nên tất cả các bản nhạc của anh Hạ đều thuộc. Nhật Hạ cũng may mắn là người đầu tiên được anh liên hệ lựa chọn để trình bày ca khúc Giấc mơ, đây là bản nhạc đã được rất nhiều ca sĩ thể hiện lại sau này. Hồi đó, Hạ có hỏi anh tại sao lại giao cho mình bản nhạc này đầu tiên thì anh bảo, anh thích một phong cách mới hơn trẻ hơn nhưng tình cảm. Và Hạ thích hợp với bài này vì tuy Nhật Hạ còn trẻ nhưng giọng hát lại tình cảm, rất có hồn và anh thích chất giọng khàn khàn, có chút buồn bã như tiếng thở dài của Nhật Hạ. Trong ấn tượng của Hạ, anh Miên hiền lành, nhẹ nhàng và là người rất mẫu mực”.
Thể loại âm nhạc của Ngô Thuỵ Miên không lẫn vào bất cứ ai. Ngô Thuỵ Miên cũng là nhạc sĩ luôn đi đúng con đường âm nhạc mình chọn trong suốt mấy chục năm qua. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết: “Nhạc Ngô Thụy Miên có phần nào rất khó hiểu nhưng không kén người nghe. Đây là dòng nhạc sang, không dành cho giới bình dân. Từ xưa nhạc của chú đã được đông đảo khán giả yêu mến và âm nhạc dường như đã trở thành quy luật luôn rồi. Tuy nhiên, Hưng cảm nhận được con người thế nào thì nhạc họ viết ra sẽ như vậy, có điều gì đó rất nhẹ nhàng và sang trọng”.
Những năm gần đây, các sáng tác của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trở nên thưa thớt dần dù ông thành thật công nhận là “vẫn còn nguồn cảm hứng, tuy nhiên không cách gì viết được nhiều như trước. Bây giờ cần có cảm hứng thật mạnh, thật lớn mới có thể viết được. Lý do là đầu óc mình nó cũng không còn nhanh lẹ như trước. Có thể do hoàn cảnh sinh sống, cách suy nghĩ và số tuổi tương đối khá cao”.
Sol Vàng tháng 3 với chủ đề Ngô Thụy Miên – Dấu tình sầu là đêm nhạc đặc biệt vinh danh những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với các ca khúc nổi tiếng của ông. Đêm nhạc đặc biệt quy tụ sự góp mặt của các danh ca, ca sĩ như Lệ Thu, Thái Châu, Anh Khoa, Nhật Hạ, Đàm Vĩnh Hưng, Xuân Phú, Ngọc Sang, Phượng Vũ, Triệu Long… hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc sâu lắng cho những ai yêu mến những bản tình ca bất hủ đi cùng năm tháng cùng những hồi ức đẹp về Sài Gòn của thập niên 70 trong âm nhạc của Ngô Thụy Miên.
TH