2021-05-28 11:12:17
{"phong-cach":"Phong c\u00e1ch s\u1ed1ng"}
{"eiffel":"Eiffel"}
https://media.xevathethao.vn/images/resizing_type:fill/watermark:0.5:ce:0:0:0.3/aHR0cHM6Ly94ZXZhdGhldGhhby52bi9hcHAvdXBsb2Fkcy8yMDIxLzA1LzE5MDQyNjUxOF8yNzEyODMzNjEwNTMwODdfNjMyMTAzMDQ4Njk1NjM2MjU1NF9uLmpwZw==.webp

Hẻm núi dưới chân tháp Eiffel, một thông điệp “Can Art Change The World?” mới của JR

Những ngày cuối tuần vừa qua, du khách ở Paris đã xếp một hàng dài và chờ đợi để chụp vài bức ảnh với toà tháp Eiffel. Kết quả là mạng xã hội xuất hiện những bức ảnh thủ đô Paris hoa lệ đang hòa vào một khung cảnh kỳ vĩ.

 

Một người phụ nữ tạo dáng chụp ảnh với tác phẩm mới của nghệ sĩ JR, tại quảng trường Trocadero trước Tháp Eiffel ở Paris. Photo by Anne-Christine Poujoulat / AFP via Getty Images. Nguồn: Artnet.com

Đó là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ tạo ra ảo ảnh quang học, biến tòa tháp nổi tiếng trở thành một phần của hiệu ứng. Chân tháp trụ trên hai bờ vực mở ra một khung cảnh hẻm núi trông xuống một thành phố ảm đạm.

Tác giả của “cảnh tượng” tận thế này là một nhiếp ảnh gia/nghệ sĩ đường phố người Pháp Jean Rene (nghệ danh JR), người đã thắng giải TEDPrize 2011. Anh là người đã thực hiện một tác phẩm ảo ảnh quang học tương tự mang tên “The Secret of the Great Pyramid”, nhằm tôn vinh 30 năm của kiến trúc bảo tàng Louvre, vào tháng 3/2019.

“Tôi nghĩ nó thực sự tuyệt vời bởi vì nó thực sự thực tế”, một du khách tên Lara Watson chia sẻ

Một người đàn ông tạo dáng trên tác phẩm nghệ thuật khổng lồ của nghệ sĩ người Pháp JR được lắp đặt trên quảng trường Trocadero phía trước Tháp Eiffel ở Paris, Pháp, ngày 19 tháng 5 năm 2021. REUTERS / Sarah Meyssonnier

Toàn cảnh tháp Eiffel ngày 20/05/2021. Photo by: Lukas Nguyen (chụp bởi Sony A73+Sigma2470)

“Tôi thích cái cách kết hợp với tháp Eiffel, một tác phẩm nghệ thuật trở thành một phần của tác phẩm nghệ thuật bởi vì tháp Eiffel ở ngay phía sau”, một du khách chia sẻ với Reuters.com

No caption…JR Instagram

Tác phẩm vực thẳm dưới chân tháp Eiffel xuất hiện kể từ 19/5/2021 và dự kiến sẽ trưng bày suốt một tháng. Nhưng như thường lệ, những tác phẩm bằng giấy và có sinh mệnh của chính nó, sở hữu bởi tất cả mọi người, tồn tại và mất đi có thể vì những những cơn mưa, hoặc vì những đám đông đi qua chúng.

Năm 2019, với sự giúp đỡ của đội quân gồm 400 tình nguyện viên, khoảng 2000 mảnh giấy được dán xung quanh bảo tàng Louvre thành một tác phẩm sắp đặt khổng lồ, giống như mặt đất đã sụp xuống tạo thành một cái hố sâu hút, làm lộ ra “phần chìm” của kim tự tháp. Năm 2016, nghệ sĩ JR đã từng khiến cho kim tự tháp mang tính biểu tượng này biến mất, với tác phẩm ‘Disappear’.

“The Secret of the Great Pyramid”, 2019. Photo via @JRArt on Twitter


“Disappear”, 2016. Photo via @JRArt on Twitter

Rời Paris, các tác phẩm nổi tiếng khác của JR thường quanh quẩn các khu vực biên giới. Năm 2017, tác phẩm “Giants, Kikito, Border Mexico-USA” đã được dựng lại từ giấc mơ của JR. Khi anh thức dậy vào một buổi sáng, hình ảnh đọng lại trong giấc mơ của anh là một đứa trẻ đang tò mò nhìn qua bức tường dọc biên giới Mỹ – Mexico. Chia sẻ với Npr.org, JR nói đứa trẻ chỉ mới 1 tuổi, “không biết đó là bức tường ngăn cách mọi người – nó cũng không biết cái gì về bối cảnh chính trị“.

Từ phía Mexico, cậu bé nhìn xuống hai sĩ quan tuần tra biên giới của Mỹ. Courtesy of JR. Nguồn: .npr.org

JR tự hỏi đứa bé đang nghĩ gì, và anh không bao giờ có được câu trả lời cho chính mình. Nhưng anh ấy đã đưa câu hỏi ra thế giới. Đó là tháng 9/2017, trong vòng vài ngày kể từ khi chính quyền Trump quyết định huỷ bỏ chương trình Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA) – vốn được xem như một biện pháp bảo vệ pháp lý cho khoảng 800.000 người được gọi là “Dreamers”, những người đã nhập cảnh trái phép vào nước Mỹ khi còn là trẻ em.

Cứ như, những đứa trẻ lớn lên và “những mộng mơ” đã đến ngày hết hạn. Và cảnh tượng trong giấc mơ của JR đã biến thành một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ cao hàng chục mét, khiến cái nhìn của đứa trẻ vượt qua bức tường biên giới Mỹ – Mexico.

“Một tác phẩm nghệ thuật nên luôn đưa ra câu hỏi chứ không phải đưa ra câu trả lời” – JR

Cũng tại khu vực biên giới này, tháng 10/2017, JR đã thực hiện tác phẩm “Migrants, Mayra, Picnic across the Border, Tecate, Mexico – USA, 2017” giống như anh đang tổ chức một chuyến dã ngoại xuyên biên giới. Hàng trăm khách mời đến từ Mỹ và Mexico cùng nhau dùng bữa ở cả hai bên hàng rào. Mọi người ngồi tập trung quanh đôi mắt của Mayra, một “Dreamer”, cùng ăn một loại thức ăn, uống chung một loại thức uống, và thưởng thức cùng một thứ âm nhạc.

Đôi mắt Mayra năm 2017, tác phẩm “Migrants, Mayra, Picnic across the Border, Tecate, Mexico – USA, 2017”.

Là một nghệ sĩ đường phố, JR thực hành nghệ thuật giữa những biến động của xã hội và bối cảnh chính trị thế giới. Năm 2004, nhằm tìm kiếm những nơi mà không ai mong đợi sự có mặt của nghệ thuật, JR đã đến và tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên của mình trên các bức tường của Les Bosquets, thuộc ‘khu ổ chuột” của xã Montfermeil, ngoại ô Paris. JR đã chụp ảnh những cư dân trẻ em của nơi này và dán các bản photocopy phóng to lên tường.

28 Millimètres, Portrait of a Generation, Omar, Paris, 20ème arrondissement, 2004. Nguồn: JR-ART.net

28 Millimeters, Portrait of a Generation, Amad, Paris, Bastille, 2004. Nguồn: JR-ART.net

Tháng 11/2005, cũng chính tại nơi này, hai thanh thiếu niên gốc nhập cư, Zyed Benna và Bouna Traoré, bị điện giật ở một trạm biến áp điện khi đang lẩn trốn cảnh sát. Khu phố bỗng dấy lên sự bùng nổ. Kết quả là các cuộc bạo loạn lan rộng ra khắp nước Pháp, những người biểu tình xuống đường và đốt cháy hàng nghìn phương tiện giao thông.

Truyền thông vào cuộc. Trong bầu không khí bất bình của xã hội, các từ ngữ phán xét và kỳ thị được tung hứng, không phải chỉ bởi dư luận mà còn đến từ các nhà lãnh đạo chính trị (đáng lý là những người phải làm mọi thứ tốt hơn). Họ hùa nhau chỉ trích nhưng không xem xét nguyên nhân đằng sau cuộc khủng hoảng.

28 Millimeters, Portrait of a Generation, Goune, Paris, 18ème arrondissement, 2004. Nguồn: JR-ART.net

JR đã trở lại trung tâm của quận và cùng với người bạn Ladj Ly, đồng thời là một nghệ sĩ địa phương, thực hiện một dự án với những người trẻ tuổi của Les Bosquets. Điều mà JR muốn thách thức chính là những từ ngữ như “racaille” hay “scum” (đều có nghĩa đại loại là “cặn bã”), vốn được một Bộ Trưởng phát ngôn khi mô tả những kẻ bạo loạn.

Sử dụng ống kính 28mm, JR chụp chân dung toàn khung hình của những người trẻ tuổi đang căng những khuôn mặt đáng sợ để làm biếm hoạ cho chính mình. Những bức ảnh sau đó trở thành những áp phích cỡ lớn, dán lên tường của cả hai quận Les Bosquets và “Bobo” của thành phố. Những gương mặt đối đầu và bất cần xuất hiện trong loạt Chân Dung Một Thế Hệ (Portrait of a Generation series) của JR đã thu hút và lôi kéo báo giới của nước này tìm đến trung tâm của cuộc bạo loạn, Les Bosquets.

28 Millimeters, Portrait of a Generation, Hold-up, Ladj Ly by JR, Les Bosquets, Montfermeil, 2004. Nguồn: JR-ART.net

28 Millimeters, Portrait of a Generation, Hold-up, Ladj Ly by JR, Les Bosquets, Montfermeil, 2004. Nguồn: JR-ART.net

Kể từ đó, JR mang các tác phẩm của mình “dán” khắp nơi trên thế giới. Từ Liberia đến Brazil, Paris đến New York, từ các khu vực xung đột biên giới đến những khu ổ chuột, JR chụp ảnh những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và đưa họ trở lại bằng những bức ảnh phóng lớn được dán vào kết cấu của cảnh quan đô thị. Năm 2007, JR được công nhận và gây chú ý nhiều hơn khi anh dán những bức chân dung khổ lớn của người Israel và Palestine ở hai bên bức tường ngăn cách.

“Bản thân bức chân dung không phải là tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật là bức chân dung của bạn được treo ở giữa Times Square hoặc ở một nơi nào khác” – JR

Với tầm nhìn tham vọng rằng nghệ thuật đại chúng có thể thay đổi thế giới, ngôn ngữ nghệ thuật của JR bắt đầu tạo ra và thúc đẩy các cuộc đối thoại. Chia sẻ với Time.com, JR cho biết: “khi tôi dán những hình ảnh này lên tường, tôi không thể trả lời một số câu hỏi của các nhà báo, vì vậy những người trong các bức ảnh bắt đầu trả lời chúng thay đổi. Tôi thích nghe câu trả lời của họ vì nó cho tôi thấy dự án này có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Đột nhiên, một dự án siêu vị kỷ trở thành một cái gì đó có ý nghĩa lớn hơn thế“.

“Can Art Change The World?” đồng thời là tên một tổ chức phi lợi nhuận do JR thành lập, nhằm mục đích sử dụng sức mạnh của nghệ thuật, văn hoá và giáo dục để mang lại nhận thức xã hội, thay đổi xã hội trên toàn thế giới và trong các cộng đồng cụ thể.

* Theo Scmp.com, các quốc gia thành viên EU đã đạt được một thỏa thuận vào thứ năm (20/5/2021) nhằm mở cửa du lịch ở Châu Âu cho những ai đạt được chứng nhận Covid-19. Ban điều hành tháp toà tháp Eiffel mang tính biểu tượng của Paris cũng thông báo mở cửa trở lại vào tháng 7.

 

 

 

 

Theo: Luxuo

Bài viết mới nhất

“U23 Việt Nam đã tiến bộ trong cách kiểm soát bóng”

Theo đó, so với thời HLV Philippe Troussier, tập thể của HLV Hoàng Anh Tuấn đã có màn thể hiện mạch lạc hơn trong...

5 loại thức uống từ các lá cây này, để giải nhiệt, thanh lọc giải độc gan cho mùa hè cực tốt

Hè đến cơ thể nóng bức, bốc hỏa. Bạn có thể sử dụng các loại lá cây tự nhiên như lá rau má, má...

Lý Nhã Kỳ phản ứng gây bất ngờ khi vô tình gặp fan đuổi theo bằng xe máy

Sau chuyến đi, nữ diễn viên ngay lập tức đăng đoạn video ghi lại khoảnh khắc này.Mới đây, Lý Nhã Kỳ vô tình bắt gặp...

Trồng hoa giấy đón lộc vào nhà: Đây là vị trí tốt nhất để trồng cây hoa giấy giúp gia chủ vượng phát

Hoa giấy không chỉ được trồng để trang trí, lấy bóng mát mà cũng có ý nghĩa phong thủy đặc biệt.Hoa giấy còn được...

Xác nhận: Arsenal có thể kích hoạt điều khoản mua đứt sao Newcastle

Guimaraes là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất của Ligue 1 trong thời gian anh ở Lyon. Khi đến Newcastle, anh tiếp...