Rồng komodo, báo và chim là những vật quý hiếm mới được bổ sung vào bộ sưu tập của gia đình giàu nhất châu Á.
Mới đây, gia tộc Ambani đang xây dựng một trong những vườn thú lớn nhất thế giới ở bang Gujarat. Đây cũng là nơi mà tập đoàn Reliance Industries Ltd vận hành khu phức hợp lọc dầu lớn nhất Ấn Độ.
Theo Giám đốc Tập đoàn Parimal Nathwani, vườn thú này dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2023, kèm theo một trung tâm cứu hộ nhằm giúp đỡ chính quyền địa phương. Khu đất rộng hơn 113 héc-ta này sẽ là nhà của 100 loài động vật, bò sát, chim muông khác nhau, bao gồm sư tử châu Phi, sói Ấn Độ, hà mã lùn, hổ Bengal, vượn cáo, lợn vòi Mã Lai, rồng Komodo…
Gia tộc Ambani là một trong những gia đình giàu có nhất châu Á, với tổng tài sản khoảng 80 tỷ USD. Họ tạo nên một đế chế kinh doanh thành công, trải dài trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, thương mại điện tử…
Ngoài ra, nhà Ambani còn sở hữu đội cricket Mumbai Indians và mở giải bóng đá quốc nội tại Ấn Độ vào năm 2014.
Với khối tài sản không ngừng gia tăng, gia tộc này đã mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực gần gũi với công chúng. Năm 2019, bà Nita Ambani – vợ ông Mukesh – đã tham gia ban quản trị của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại New York (Mỹ).
“Họ có đủ nguồn lực kinh tế để biến điều không thể thành có thể”, Rebecca Gooch – Giám đốc Nghiên cứu của Campden Wealth – giải thích tại sao giới siêu giàu lại thích bỏ tiền vào những thú vui kỳ quặc.
“Đầu tư vào không gian công cộng có thể hỗ trợ hình ảnh cho cả công ty lẫn gia đình, đồng thời đem lại lợi nhuận và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của các thông tin tiêu cực. Điều này cũng khẳng định vị thế của người giàu trong xã hội và củng cố di sản của họ trong tương lai”.
Dưới đây là một số khoản đầu tư kỳ lạ mà giới siêu giàu trên thế giới sẵn sàng “rút hầu bao”.
Vườn thú và công viên
Tài phiệt người Indonesia Low Tuck Kwong cũng chọn xây sở thú gần công ty khai thác than của mình. Ông cho biết, mình đầu tư 4 triệu USD vào đây không vì lợi nhuận, mà là bởi “niềm đam mê dành cho động vật”. Cựu Thủ tướng kiêm người giàu nhất Gruzia Bidzina Ivanishvili được cho là đã chi ít nhất 3 triệu USD để xây dựng một công viên thực vật.
Tỷ phú người Philippines William Belo lại bị thu hút bởi loài cá sấu, bắt nguồn từ một vấn đề về gia cầm. Sau khi mở trang trại trứng vào năm 1989, ông không biết phải làm gì với những con gà đã hết khả năng sinh sản. Giải pháp duy nhất là biến chúng thành thức ăn cho cá sấu. Trang trại của vị tỷ phú này còn cung cấp da cá sấu cho các thương hiệu thời trang xa xỉ như LVMH, trong khi thịt cá sấu trở thành nguyên liệu cho các món ăn như xúc xích Hungary hay sisig.
CLB thể thao
Tương tự như gia tộc Ambani, các tỷ phú khác cũng mạnh tay chi tiền cho các CLB thể thao. Tỷ phú Roman Abramovich – chủ sở hữu doanh nghiệp thép lớn thứ hai tại Nga – đã mua lại đội bóng đá Chelsea đang trên bờ vực phá sản với giá 223 triệu USD vào năm 2003.
Steve Ballmer – cựu CEO của Tập đoàn Microsoft – đã bỏ ra 2 tỷ USD để sở hữu CLB bóng rổ Los Angeles Clippers vào năm 2014. Bốn năm sau đó, tỷ phú David Tepper – quản lý của một trong những quỹ phòng hộ thành công nhất thế giới – đã mua lại đội bóng bầu dục Carolina Panthers với giá 2,3 tỷ USD.
Sự giàu có nhanh chóng của các doanh nhân Trung Quốc cũng thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực thể thao tại quốc gia này. Trương Cận Đông – founder của Suning Appliance Group Co. – đã chi 306 triệu USD để mua lại phần lớn cổ phần kiểm soát của câu lạc bộ bóng đá Italia Inter Milan vào năm 2016.
Một năm sau đó, trùm bất động sản Cao Kế Thắng cũng đã mua lại CLB bóng đá Southampton đang chơi tại Premier League với giá 257 triệu USD.
Bảo tàng
Bên cạnh đó, một số tỷ phú lại tỏ ra hứng thú với nghệ thuật. Người giàu thứ ba nước Pháp – tỷ phú Francois Pinault – sắp mở cửa bảo tàng trưng bày bộ sưu tập đương đại của mình tại Bourse de Commerce, cách Bảo tàng Louvre chỉ vài tòa nhà.
Tỷ phú năng lượng người Nga Leonid Mikhelson đang cho xây dựng một trung tâm nghệ thuật đương đại trị giá 130 triệu USD ngay tại thủ đô Moscow.
Trong khi đó, tỷ phú người Ukraine Viktor Vekselberg lại dành hơn 40 triệu USD để trùng tu lại Cung điện Shuvalov tại thành phố St. Petersburg. Ông dự định biến nơi này thành một bảo tàng nhằm trưng bày hơn 1.000 quả trứng kim hoàn Faberge.
Tại Trung Quốc, Tạ Kỳ Nhuận – nữ Chủ tịch trẻ tuổi của công ty Sino Biopharmaceutical Ltd và con trai của Hà Hưởng Kiện – Chủ tịch Tập đoàn Midea – đều tự mở một bảo tàng của riêng mình vào năm ngoái. Ngoài ra, con gái của founder Tập đoàn Red Star Macalline Xa Kiến Tân cũng đang xây dựng không gian nghệ thuật tại thủ đô Bắc Kinh để trưng bày các tác phẩm thử nghiệm mang đậm tính Trung Hoa.
Theo: CafeF