Có người hỏi tôi rằng: tập quán người Việt hay có tục cúng cuối năm, nhưng mỗi nơi gọi mỗi khác! miền Bắc, miền Trung thì gọi cúng Tất niên, nhưng người miền Nam thì gọi cúng rước Ông Bà! Vậy gọi thế nào là đúng?
Phong tục tập quán của người Việt khá phong phú, tuy nhiên tùy theo vùng miền mà có cách gọi khác nhau tuy là cùng một hình thức, một sự việc.
Thường thì những ngày cuối năm vào tầm sau 20 tháng Chạp âm lịch. Người ta thường sắm mâm cỗ với ý nghĩa để cúng tạ ơn trời đất đã ban cho họ một năm làm ăn trôi chảy, công việc thuận buồm xuôi gió,…
Tùy theo khả năng tài chính mà mỗi gia đình có mâm cỗ đơn giản hay thịnh soạn. Đây cũng là một dịp để bạn bè ngồi lại với nhau chén tạc chén thù tổng kết một năm.
Trong dịp này thì người ta thường nhớ tới những người thân đã khuất, như ông bà, cha mẹ… nên cũng dưng (dâng) lên bàn thờ những thức ngon, thắp hương mời các vị để tỏ lòng kính ngưỡng và biết ơn. Do vậy người miền Nam hay gọi là cũng rước ông bà là như thế.
Song, theo quan điểm của cá nhân tôi thì, gọi cái lễ này là cúng tất niên thì phù hợp hơn. Bởi, không kể vùng miền nào, nhưng cứ vào dịp cuối năm thì diễn ra tục cúng tất niên, (Tất là hết, Niên là năm = Tất niên là hết năm) điều này ai cũng biết. Các cơ quan, công ty kinh doanh, sản xuất, mua bán…càng lớn họ càng cúng to, vậy có phải họ cúng rước ông bà không? tất nhiên là không. Còn người dân cũng vậy, có người thu xếp công việc sớm để về quê ăn tết hay đi du lịch xa thì họ cũng sửa soạn mâm cơm cúng tất niên vào khoảng 24, 25 tháng Chạp, vậy nếu là cúng rước ông bà thì tầm này có quá sớm không? ông bà phải ngồi đợi đến những 5, 6 ngày mới tới tết?!
Miền Bắc và Miền Trung thì tục cúng tất niên là sau khi công việc làm ăn của một năm kết thúc, nhà cửa tươm tất xong thì họ sắm mâm cỗ để cúng tạ ơn trời đất, và thường là cúng ngoài trời. Lễ này thì có sớm cũng phải qua 23 tháng Chạp.
Sau đó, đến đêm giao thừa, thì con cháu dù có đi chơi cũng phải về đông đủ, có mặt ở nhà trước giờ giao thừa để tham gia lễ cúng rước ông bà vào lúc giờ phút giao thừa thiêng liêng diễn ra và lạy mừng tuổi ông bà. Cầu xin ông bà phò hộ cho một năm mới an lành, hạnh phúc …
Lễ cúng rước ông bà thường thì rất đơn giản chứ không rườm rà, thịnh soạn như lễ cúng tất niên. Trong lễ này tập quán xưa thường hay hóa vàng quần áo cho ông bà để mặc trong “3 ngày tết”.
Nhân việc này, cũng mở rộng ra một vấn đề nữa, đó là những gia đình theo Phật giáo hay người lương (không theo tôn giáo nào) chỉ thờ cúng ông bà thôi, tại sao hàng ngày vẫn hương khói và các ngày rằm đầu tháng họ thường hay sắm sanh lễ vật hoa quả để gọi là cúng ông bà?
Thật ra ở vào phạm vi cúng kính thì cũng nên suy xét thực tế, tránh lãng phí và rơi vào mê tín.
Chúng ta bắt đầu từ lễ cúng rước ông bà vào lúc giao thừa. Trong mấy ngày tết có gia đình khá thận trọng và cung kính nên vẫn cúng cơm cho ông bà trong “3 ngày tết”.
Rồi tùy theo gia đình, có khi mùng 3 hay mùng 4 mà cũng có khi đến mùng 7 mới cúng tiễn, tức là đưa ông bà đi (có rước phải có đưa đó là quy luật)
Vậy chúng ta đã thấy rằng cúng đưa tức ông bà đã đi rồi! Cho đến khi giỗ chạp, theo quan niệm dân gian thì ngày giỗ của người mất thì người ấy “được phép” về dự.
Điều này đã khẳng định rằng Người đã khuất chỉ có thể về “đoàn tụ” với gia đình mỗi năm có 2 lần, đó là “3 ngày tết” và ngày họ được cúng giỗ!
Vậy thì những ngày còn lại trong năm, người thân của họ cúng (trong đó có cả ngày rằm và đầu tháng) thì cúng cho ai hưởng?!
Theo tôi nghĩ thì phong tục người Việt là thờ cúng tổ tiên đó là một nét văn hóa rất đáng được tôn trọng và duy trì, nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Không có các thế hệ trước thì không có ta hôm nay.
Do vậy một sự liên tưởng rằng bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ…cũng như ngôi nhà của những người đã khuất. Hàng ngày con cháu phải có trách nhiệm gìn giữ và lau chùi sạch sẽ, hương khói thường xuyên để tích tụ linh khí đến ngày tổ tiên, ông bà về ngự trong các ngày tết và giỗ chạp mà thôi.
Bên cạnh đó, trong quá trình cúng bái cũng nên thận trọng việc đốt đèn, nhang. Nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra do bất cẩn từ việc này. Thiết nghĩ. Chúng ta có thể tận dụng sự phát triển của xã hội mà thay thế dần một số vật liệu cổ truyền. Như thay vì thắp đèn dầu hay nến thì chúng ta có thể thay bằng bóng điện nhỏ.
Có người bảo rằng, đèn điện chỉ có sáng nhưng không có tinh (?). Thế nào là tinh? Phải chăng đó chỉ là một biện luận thôi? Bởi, câu “hương đăng” tức là nhang và đèn của các cụ ta ngày xưa nói về các vật phẩm bắt buộc phải có trong việc cúng kính, lễ bái chẳng qua thời xưa làm gì có đèn điện mà không phải dùng đèn dầu hay nến. từ đó câu quen cửa miệng mà thôi.
Tât cả đều nằm ở lòng thành. Không nhất thiết phải xưa sao nay vậy. Vả lại phàm làm việc gì cũng cần phải nghiền ngẫm xem cái lý của sự việc ấy thế nào, chớ nên thấy người làm sao cứ vậy mà theo.
Châu Minh Hay
XevaThethao