Nếu thế giới đồng hồ có một câu chuyện điển hình về một thương hiệu không vượt qua nổi cái bóng khổng lồ của chính họ trong quá khứ, thì đó chính là Audemars Piguet.

Cái tên từng lừng lẫy khi được xếp vào hàng 3 thương hiệu đồng hồ cao cấp nhất, gọi là holy trinity, bên cạnh Patek Philippe và Vacheron Constantin nhờ chất lượng sản phẩm, giờ này nhắc tên thì cứ 10 anh em chơi đồng hồ, cả 10 sẽ nghĩ đến Royal Oak, tuyệt phẩm ra mắt lần đầu năm 1972.

Đó chính là cái bóng quá lớn mà đến giờ, sau tròn nửa thế kỷ, Audemars Piguet vẫn chưa làm cách nào vượt qua được.

Tinhte_AP1.jpg

Gần đây nhất, chính xác là 3 năm về trước, Audemars Piguet ra mắt bộ sưu tập Code 11.59, với thiết kế cực kỳ trẻ trung nhưng hoàn toàn không cắt cúp bất kỳ công đoạn chế tác nào. Đó là nỗ lực đổi mới, trẻ hóa thương hiệu trăm năm tuổi, đem những kiến thức chế tác họ đúc kết được qua ngần ấy năm vào thế kỷ XXI. Tiếc thay, Code 11.59 trở thành quả bom xịt đúng nghĩa, với vài phiên bản lựa chọn font chữ rất kỳ quặc, có thể hợp thời trong thập niên 2010 nhưng rất nhanh lỗi mốt. Nói “tương lai của AP” là một sự thất vọng trong mắt các fan của Royal Oak có lẽ không ngoa.

Tinhte_AP6.jpg

QUẢNG CÁO

Tua nhanh 3 năm, và sau khoảng 30 mẫu Code 11.59 khác nhau, bấm giờ có, skeleton có, tourbillon hay moonphase cũng có, thì Audemars Piguet có lẽ đã tạo ra được chiếc Code 11.59 ấn tượng nhất tính đến thời điểm hiện tại. Và để làm được điều này, họ đã mượn lại ý tưởng thiết kế cũ tên là Starwheel, nơi kim giờ không chỉ là một cái kim chạy xung quanh 12 cọc số như truyền thống, mà là một đĩa ba mặt số quay quanh trục kim giây. Mỗi đĩa có một mũi tên chỉ vạch số từ góc 10h đến 2h để hiển thị phút, còn kim giây thì trôi như mọi chiếc đồng hồ phổ biến khác.

Vì có ba đĩa hiển thị giờ, nên ô số chỉ phút cũng chỉ chiếm một phần ba toàn bộ mặt số. Dòng chảy thời gian trên chiếc Starwheel giờ được mô tả hệt như một động cơ vĩnh cửu, ba bánh xe kết hợp với kim giây di chuyển tuần hoàn để hiển thị giờ, phút và giây. Nhìn thì tưởng rối mắt, nhưng chỉ mất chút ít thời gian anh em sẽ nhìn ra con số tương ứng nhờ mũi tên và vị trí của số hiển thị giờ.

Tinhte_AP7.jpg

Toàn bộ hệ thống chỉ giờ giấc ấy được gói gọn trong bộ máy 4310 lên cót tự động, búa lên cót làm bằng kim loại quý, đáy lộ cho anh em chiêm ngưỡng vẻ đẹp cơ khí, thứ mà Audemars Piguet không bao giờ thiếu. Cót trữ của đồng hồ cho phép nó vận hành liên tục 70 giờ đồng hồ. Bộ máy này được dựa trên Caliber 4309 ba kim, nhưng được kẹp thêm module mới để kim giờ trở thành ba đĩa xoay.

Tinhte_AP8.jpg

Bao bọc bên ngoài Caliber 4310 là bộ case kẹp dạng sandwich, một trong chính những yếu tố khiến Code 11.59 lúc mới ra mắt bị nhiều người chê. Kính sapphire cong, nhưng được AP nghiên cứu thiết kế để ở mọi góc nhìn, kể cả nhìn từ cạnh bên, mọi người vẫn sẽ theo dõi được thời gian.

Tinhte_AP2.jpg

Nhưng nhìn lâu thì lớp vỏ ngoài vàng trắng 18-karat, kẹp ở giữa là bộ khung ceramic đen siêu cứng bỗng nhiên lại giúp tôn lên chất viễn tưởng của chiếc đồng hồ, đặc biệt là khi mặt số được làm từ chất liệu aventurine xanh, một loại khoáng thạch thuộc họ thạch anh, xử lý để tạo ra vẻ bề ngoài như những ngôi sao ngoài không gian.

Rõ ràng cách thiết kế case kim loại kẹp cố định bằng ốc, với mặt số đậm chất khoa học viễn tưởng lại hóa ra hợp với nhau, thay vì những nỗ lực thiết kế mặt số mang tính truyền thống nhưng có phần rối mắt như nhiều chiếc Code 11.59 đã ra mắt trong quá khứ.

Nhắc lại chuyện cũ, Starwheel chính là một tính năng độc đáo đã từng xuất hiện trên một chiếc đồng hồ của Audemars Piguet hồi năm 1991, ứng dụng thiết kế ba đĩa số chỉ giờ, dựa trên ý tưởng đã có từ thế kỷ XVII, khi anh em nhà Campani tạo ra chiếc đồng hồ cho Giáo Hoàng thời ấy. Nhưng rồi tới thập niên 2000, Audemars Piguet dừng tạo ra những chiếc Starwheel, nhưng nó liên tục được các hãng sau này ứng dụng, đặc biệt hơn cả là Urwerk và Ressence, những thương hiệu mang cảm hứng tương lai.

Tinhte_AP3.jpg
Tinhte_AP4.jpg
Tinhte_AP5.jpg

Công bằng mà nói, Code 11.59 Starwheel không thể tạo ra được tiếng vang mạnh mẽ như Royal Oak lừng lẫy, càng không có giá trị lịch sử như những chiếc siêu mỏng nhưng có lịch vạn niên của Audemars Piguet được. Nhưng nói vậy không đồng nghĩa rằng, Starwheel là một chiếc đồng hồ xấu xí. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ, như mọi chiếc AP làm bằng kim loại quý khác, chiếc này không rẻ: 57.900 USD.

Theo Hodinkee