2023-02-23 14:40:53
[]
[]
https://media.xevathethao.vn/images/rs:fill:0:0:0/g:ce:0:0/c:0:0/aHR0cHM6Ly9tZWRpYS5waHVudXRvZGF5LnZuL2ZpbGVzL2RhdGFpbWFnZXMvMjAxMTA0Ly9vcmlnaW5hbC9pbWFnZXM0NDU0MjNfZC5qcGc.webp
Array

Cuộc chiến không mệt mỏi giữa chị dâu và những cô em chồng

chị dâu luôn tồn tại những bất đồng khó giải quyết.

 

“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Phải đến khi lấy Hùng, về làm dâu nhà anh, Mai mới thấm thía câu nói ấy, chị mới hiểu bà cô bên chồng thì “ghê gớm” như thế nào. Cô em chồng tên Hương đã đẩy chị vào đủ tình cảnh dở khóc dở cười chỉ vì cái tính trẻ con, hay làm nũng của mình. Ngày yêu Hùng, Mai đã được mọi người cảnh báo rằng cô chắc chắn sẽ không chiều nổi Hương vì bố mẹ Hương còn không chiều nổi con mình nhưng Mai lại nghĩ, Hương chẳng thể sống cả đời với vợ chồng cô nên chẳng có gì phải lo lắng. Người tính không bằng trời tính. Vợ chồng Mai không được ở riêng mà phải ở cùng bố mẹ và cô em chồng nhõng nhẽo. Những tháng ngày mệt mỏi của chị cũng bắt đầu từ đây.

Từ ngày có chị dâu, Hương thôi hẳn không làm việc nhà nữa dù là rửa bát, quét nhà, đi chợ, nấu nướng…cô đều để một tay chị dâu làm mặc cho chị bận bịu với công việc hay mệt mỏi như thế nào. Nếu Mai có ý kiến thì y như rằng Hương lại thỏ thẻ với anh trai: “Anh ơi! Chị ấy bảo em lấy gen của ai mà lười thế? Chị ấy bảo em xấu tính giống y đúc mẹ?…”. Những câu nói tưởng như vô tình của Hương đẩy cuộc hôn nhân của Mai vào những cãi vã. Ba Hùng mất từ khi hai anh em còn nhỏ, Hùng đối với Hương không chỉ là một người anh mà còn là một người cha. Anh thương Hương theo một thứ tình cảm đặc biệt. Anh không chịu được nếu ai đó bắt nạt hoặc to tiếng với em gái của mình, nhất là khi người đó lại là vợ anh. Hương lại có cái tài khóc lóc rất nhanh. Chỉ đôi ba câu là cô đã có thể nức nở hoặc rơm rớm nước mắt tùy theo hoàn cảnh của câu chuyện và thái độ của người nghe. Nước mắt luôn làm người đối diện mềm lòng và dù

Ỷ vào lợi thế đó của mình, Hương càng được đà bắt nạt chị dâu. Một cách khéo léo, cô biến chị dâu thành người giúp việc riêng cho mình. Mai phải giặt cho cô từng cái quần, cái áo, lau từng centimet nền phòng cho Hương, phủi từng ít bụi trên đồ đạc của Hương…Một ngày của Mai bắt đầu với việc thức dậy thật sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng theo đúng khẩu vị của cô em, sắp sẵn quần áo đã được là lượt phẳng phiu cho cô em đi học rồi sau đó chị muốn làm gì thì mới được làm. Cô em biết chị nhún nhường nên càng lấn tới. Phòng của anh chị không biết từ bao giờ trở thành căn phòng thứ hai của Hương. Với lí do “học ở phòng anh chị dễ vào hơn”, Hương thường trực có mặt trong phòng của đôi uyên ương. Nhìn quanh nếu thấy có thứ gì của chị dâu mà Hương thích thì cô sẽ xin ngay.

 Sau thì Hương cứ tự lấy. Từ quần áo, nước hoa đến son môi, phấn má…Mai nhiều lúc tức muốn khóc nhưng nghĩ tới sự êm ấm của gia đình nên lại cố nhịn. Sau hơn hai năm nhẫn nhịn, Hương cuối cùng cũng đi lấy chồng. Mai tưởng mình được thở phào nhẹ nhõm thì hơn năm tháng sau, cô em chồng lại lục đục dọn về với cái bụng to tướng. Và địa ngục thứ hai của Mai bắt đầu mở ra. Chăm bà đẻ khó hơn chăm người thường rất nhiều. Phụ nữ mang thai thường khó tính, cáu kỉnh. Lại thêm việc Mai mãi vẫn chưa sinh được cháu nội cho nhà chồng nên mẹ chồng chăm sóc Hương, nhiếc móc Mai ra mặt. Hương nghén, hễ thích ăn gì thì ngay lập tức phải có. Chẳng nhà ai như nhà Hương, con gái mang bầu, con dâu nghỉ phép ở nhà chăm. Hàng xóm thì cứ nức nở khen nhà Hùng tốt phúc, có cô con dâu tuyệt vời, thương em chồng như em ruột nhưng chẳng ai biết nỗi khổ mà chị phải chịu.

Hùng cũng chỉ nhìn thấy mặt ngoài của mối quan hệ giữa vợ mình và cô em quý hóa. Mọi mâu thuẫn đều được cô em dẻo mồm lấp liếm hết. Căn phòng của hai vợ chồng cũng bị nhường cho Hương vì “em bụng to, ở phòng chật khó chịu lắm. Thôi thì anh chị thương lấy cháu”. Cô em chồng cũng độc chiếm hết cả căn phòng vốn định để dành cho con của vợ chồng Hùng sau này cùng toàn bộ những đồ đạc mà Mai đã mua sẵn để chào đón đứa con trong tương lai của mình. Em chồng khéo miệng nên bao nhiêu đồ ngon đồ đẹp trong nhà, chỉ cần Hương thích là cô sẽ nịnh được mẹ cho mình mang về nhà mình. Từ cái tivi mới sắm đến cả cái xe máy Hương cũng khôn khéo biến được nó thành đồ của mình trước sự ấm ức của chị dâu. Tiền lương của vợ chồng Mai giờ phải gánh thêm cả cô em chồng cùng đứa cháu chưa ra đời. Thắc mắc hay phàn nàn là điều không tưởng vì Hương là máu mủ nhà chồng, là con út luôn được cưng chiều.

Nhưng như thế, Mai vẫn chưa yên với cô em chồng. Hương là chúa hay để ý và soi mói. Chỉ cần Mai về thăm ba mẹ, mua thứ này thứ kia mà cô em vô tình biết thì y như rằng, Hương sẽ thủ thỉ cùng mẹ rằng chị dâu lấy của nhà chồng mang sang nhà bố mẹ đẻ. Mẹ ốm, Mai cũng phải lén lút về thăm, lén lút mua quà như thể mình đang làm việc gì sai trái. Chị than thở: “Nhà có cô em chồng quá hơn cả mẹ chồng. Rồi đến lúc con cô em ra đời nữa thì tôi không biết phải yêu chiều cả hai ra sao đây?”.

Tiền chị, tiền em, tiền chung cả

Khác với Mai, Ngân (Quảng Ninh) lại được em chồng yêu quý và quấn quýt quá mức cần thiết. Những tình cảm của Dung, em chồng cô, đối với cô trước khi cô trở thành người cùng một nhà khiến cô xúc động và yên tâm rằng mình sẽ có đồng minh, đứng cùng chiến tuyến nếu cô và chồng hoặc cô và mẹ chồng có xích mích. Những ngày đầu làm dâu quả thật là thiên đường đối với Ngân. Hai chị em cứ ríu rít cả ngày. Ngân là con một nên giờ tự nhiên có một cô em để chăm sóc, cô thấy rất vui. Nhưng rồi sau dần, cô mới nhận ra sự “thân thiết” của Dung khiến cô khốn khổ như thế nào. Một cách khéo léo, Dung biến chị dâu thành cái máy rút tiền tự động của mình. Khi đi mua sắm, cô em chồng những lần đầu còn tranh trả cho chị hoặc đưa gửi chị số tiền phải trả cho đồ mà mình mua sau dần tất cả những đồ cô mua đều do chị dâu gánh tiền. Lúc thì Dung vờ quên ví, lúc thì cô nói chị thanh toán một thể rồi về chia sau cho dễ….Tất nhiên, sau đó, số tiền mà Ngân đã bỏ ra sẽ mất luôn vì không bao giờ có chuyện “về rồi chị em mình thanh toán nhé”. Hồi mới đầu, Ngân cũng không để ý. Chị quý Dung nên cũng không tiếc cô em thứ gì nhưng sau, Ngân dần nhận ra cách thức “moi tiền” chị dâu của em chồng.

Dung năm nay đã 23 tuổi. Cô làm cho một công ty nước ngoài, chưa có người yêu lại ở cùng bố mẹ, anh chị nên hầu như chẳng mấy khi tiêu đến tiền của mình. Tiền lương cao nhưng Dung toàn ỷ lại vào chị dâu. Ngân chưa bao giờ nhờ được cô em mua hộ cho bất cứ thứ gì trong nhà dù chỉ nhỏ nhất như bàn chải đánh răng hay lạng chè cho ba…Chị dâu nhờ mua cái này cái kia thì cô nghĩ ra đủ cớ để từ chối. Hễ thấy Ngân có đồ mới thì y như rằng cô em lại quay sang mè nheo anh trai nói trong nhà chỉ có từng ấy người, chẳng nhẽ chị được em lại không. Anh trai vốn chiều em gái nên nghe em nói mấy câu xuôi tai là đưa tiền ngay cho. Để tránh những việc như vậy xảy ra, sau này, mỗi khi mua cái gì chị cũng phải giấu diếm hoặc lấy cớ là của bạn tặng.

Thậm chí có lần, Ngân đã phải ra bưu điện để gửi chính đồ của mình về cho mình để ngụy trang “đó là một món quà từ một người bạn ở xa”. Đem bức xúc của mình kể với chồng thì anh chỉ tặc lưỡi nói: “Nó còn trẻ con, không nghĩ gì đâu. Mà cho em nó có mấy đồng, đáng kể gì đâu em”. Ngân chỉ biết cười ngán ngẩm. Trong nhà, chị là người tay hòm chìa khóa, cầm tiền để lo mọi chuyện. Từ tiền ăn, tiền vệ sinh đến tiền điện nước, tiền dịch vụ đủ cả…Mỗi lần cô em nhấm nhảu mua thứ này, thứ kia thì y như rằng tháng đó bị hụt tiền. Ngân lại phải vay chỗ này để vá chỗ kia. Mà chuyện mượn được tiền của cô em là điều không tưởng. Có lần, Dung nhờ chị dâu làm tiệc nhỏ để mời bạn bè đến nhưng tuyệt nhiên không đưa tiền cho chị. Cái điệp khúc “Chị cứ ứng trước ra hộ em rồi em trả sau” lại được dùng. Ngân không đồng ý và cũng không làm. Cuộc chiến giữa chị dâu – em chồng giờ mới thực sự nổ ra. Cô em hàng ngày vẫn quấn quýt với chị là thế, nay nhảy dựng lên với đủ lời lẽ khó chịu.

Ngân nín nhịn nhiều, giờ cũng nói hết những ấm ức trong lòng mình. Đang đến đoạn “cao trào” thì mẹ chồng và chồng chị cùng về. Như thể chỉ chờ có vậy, Dung òa khóc nức nở nói: “Con nhờ chị giúp con tổ chức tiệc sinh nhật. Chị không giúp thì thôi đằng này lại nói con đua đòi, mất nết”. Mẹ chồng nghe thế thì tím mặt, dắt tay con gái đi thẳng vào phòng. Chồng Ngân thì giận vợ ra mặt, Ngân chẳng biết phải phân trần với ai mà bản thân chị cũng chưa kịp hoàng hồn sau khi bị cô em chồng lật mặt sau những ngày tháng hai chị em “mặn nồng” như vậy.

Chuyện với Dung chưa giải quyết xong thì cô em út nhà chồng lại về nhà sau ba năm du học. Cô em tên Phương, tính tình cũng dễ chiều nhưng phải tội cũng thích tiêu tiền chung với chị dâu. Ngân được bố chồng yêu quý vì lễ phép và ngoan ngoãn, thi thoảng ông vẫn cho cô thêm tiền để mua sắm thứ này thứ kia. Nhưng ông vẫn thường giấu mọi người trong nhà cho con dâu nhiều hơn. Đến khi cô em út phát hiện ra, Ngân trở thành nạn nhân của các trò “xì đểu” và hễ cứ hết tiền, cô lại qua phòng chị dâu hỏi xin. Không được thì em út cằn nhằn “tiền bố cho chị đâu?”. Bố chồng cũng không dám bênh con dâu nữa vì sau khi việc ông cho con dâu nhiều tiền hơn các con đẻ bị lộ, chẳng ai trong nhà chịu nghe lời ông nữa. Bị hai cô em chồng quân vào để “hành”, Ngân gần như chết dở. Chị tâm sự: “Tôi nhất định phải tìm cách ra ở riêng nếu còn muốn giữ cái gia đình này có chút êm ấm”.

Khi em chồng khó chiều hơn cả mẹ chồng

Lấy Long, Vân những tưởng cuộc sống của mình sẽ rất dễ chịu vì vợ chồng cô được ở riêng, không chịu sự kiểm soát của bố mẹ chồng. Nhưng điều cô không ngờ tới đó là sự xuất hiện của cậu em chồng trong tổ uyên ương của hai người. Em chồng tên Hải, năm nay 19 tuổi. Đã qua cái tuổi thiếu niên nhưng cậu vẫn rất trẻ con và tính khí có phần khó chịu. Hải từ nhỏ đã ốm yếu nên được bố mẹ chiều chuộng.

Ngay cả với những điều vô lí nhất, chỉ cần cậu muốn thì bố mẹ cũng sẽ cố làm cho bằng được. Vì ở nhà anh chị tiện hơn cho việc đi học nên cậu dọn qua ở và được dành riêng cho một phòng ở tầng 3. Cậu công tử quen với việc ý kiến của mình là nhất nên nằng nặc đòi đổi xuống tâng 2 để đi lại cho dễ và đỡ mệt. Chiều em, vợ chồng Vân lục đục dọn đồ lên phòng mới. Cũng từ ngày em chồng về ở cùng, khẩu vị của gia đình hoàn toàn phải theo cậu em. Long bị dạ dày nên phải ăn cơm nấu hơi ướt. Cậu em lại thích ăn cơm khô. Vân bận đủ việc nhưng khi nấu nướng vẫn phải nhớ cắm hai nồi cơm. Chồng ăn nhạt, em chồng ăn mặn. Trong mâm cơm, chị phải lo món này món kia để chiều cả hai người. Có lần, chỉ vì Vân quên không cắm cơm cho cậu em mà cậu đã đùng đùng thu quần áo đòi về nhà vì “chị dâu thấy việc nấu cho em mỗi nồi cơm thôi cũng là phiền hà”.

d
Ảnh minh họa

 Vào mùa ôn thi, Vân cũng phải lo đầy đủ cho cậu em. Nhiều lúc, cô thấy mình như bất đắc dĩ phải trở thành “mẹ” của em chồng vì chị phải lo cho cậu từ việc nhỏ nhất đến việc học hành. Bố mẹ chồng chỉ thi thoảng lên chơi rồi để lại tiền, dặn dò phải chăm sóc em thế này thế kia rồi lại trở về. Rắc rối càng dồn lên vai Vân khi cậu em trai cô lên ở cùng anh chị cũng để “đi học cho tiện”. Hai cậu em không hợp tính nhau nên nhất quyết không chịu ở chung phòng. Hải thu dọn quần áo nói sẽ ra ngoài trọ nếu anh chị bắt ở ghép.

Vợ chồng Long đành xây chồng thêm một tầng để có phòng cho em vợ. Hải thấy thế thì móc máy: “chiều em vợ như chiều vua. Lại còn được xây mới hẳn cho một tầng”. Việc giải quyết những ghen tị giữa hai người cũng đủ để Vân đau đầu. Em Vân đi học rồi đi làm thêm. Thương em vất vả, cô dồn tiền rồi xin thêm của bố mẹ mua cho em chiếc xe máy. Hải thấy thế, ngay lập tức nhảy dựng lên vì “cùng là em thì sao người được người không?”. Dù anh trai đã giải thích rằng tiền mua xe không phải của anh chị cho nhưng Hải vẫn khăng khăng đòi mình phải được mua một chiếc xe y như thế.

Cậu em thái độ với ông anh: “Tại sao anh chiều em vợ còn bỏ em mình?”. Hải là con trai mà lại nhiều chuyện hơn con gái. Một tháng cậu về nhà một lần. Những chuyện trong nhà Vân được cậu kể lại chi tiết cho bố mẹ, họ hàng nghe. Nếu kể đúng thì cũng không có gì đáng phải lo ngại nhiều nhưng cậu lúc nào cũng thêm mắm muối rằng chị dâu chăm lo cho em mình chu đáo còn em chồng thì không thèm đếm xỉa.

Tiền tiêu vặt hàng tháng đưa cho hai cậu em, Vân phải đưa trước mặt cả hai vì sợ Hải nghĩ chị cho em ruột mình nhiều tiền hơn. Nhưng Hải vẫn bóng gió rằng lúc không có mặt cậu, ai biết được Vân được cho em chị bao nhiêu tiền, “ai biết ma ăn cỗ lúc nào”. Mua cho hai cậu cái áo, Vân phải chọn họa tiết tương tự nhau vì lo lại bị nói mua áo đẹp cho nhà mình, áo xấu cho nhà chồng. Để cân bằng sự quan tâm của mình tới hai cậu em, Vân ngày ngày bị ngập trong trạng thái căng thẳng. Chồng cô cũng không giúp được gì nhiều. Anh chỉ biết động viên vợ vì cậu em anh bỏ ngoài tai những điều anh nói. Bố mẹ thì lúc nào cũng đứng về phía Hải. Anh có tỉ tê nhẹ nhàng cùng không xong. Em Vân thương chị cũng nín nhịn nhiều nhưng cũng có lúc trẻ con nên lại to tiếng với Hải. Chịu đựng hai cậu hết bốn năm đại học, vợ chồng Vân mới thở phào nhẹ nhõm được đôi chút. Vân sinh em bé. Con bé con nhà chị được hai tuổi thì cậu Hải cũng lấy vợ và có con ngay sau đó. Những rắc rối lại đến từ việc so sánh “con chị, con em”.

Với Hải, con cậu lúc nào cũng là nhất. Đó là tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ nên cậu không chịu được khi nghe người ta nói con anh trai mình xinh hơn, ngoan hơn. Hải sang nhà anh chị chơi thường xuyên, để ý từng tí một cách chị dâu chăm sóc con để có cái nói xấu cách dạy con của nhà Vân. Mà hễ sang nhà chị dâu, thấy có sữa tốt, quần áo đẹp cậu cũng vơ về mà chẳng cần hỏi ý kiến của anh chị. Nếu có ý kiến thì cậu lại “hai bác có cái áo mà cũng tiếc với cháu”. Sợ người ngoài nói ra nói vào rằng anh em vì vật chất mà ghét móc nhau nên Vân cũng không nói gì thêm. Cô chỉ buồn vì nhà mình không được hòa thuận như nhà người ta dù cô đã cố gắng hết sức để giữ hòa khí. Sự cố gắng không phải bao giờ cũng có kết quả bởi trong một mối quan hệ, để mọi thứ trở nên tốt đẹp luôn cần sự hợp tác từ hai phía.

Chị dâu nghe em chồng “dạy bảo”

Là con gái duy nhất trong một gia đình khá giá, Lan quen được chiều chuộng từ bé. Cô chẳng bảo giờ bị bố mẹ bắt phải làm cái này, cái kia. Mọi chuyện Lan đều được bố mẹ lo cho hết. Việc của Lan chỉ là học, ăn, chơi va hưởng thụ. Nên khi cô xuất giá đi lấy chồng, điều mẹ Lan lo và hối hận nhất là đã không dạy cô nữ công gia chánh, không dạy cô con gái duy nhất trở thành một người phụ nữ với đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh”. Bà lo con gái mình khi đi làm dâu sẽ không tránh khỏi sự giám sát của mẹ chồng. Và việc Lan không biết nấu nướng sẽ trở thành lí do để mẹ chồng ghét cô. Dù đã học cấp tốc một lớp dạy nấu ăn trước khi lấy chồng nhưng vốn “làm vợ” của Lan cũng không được cải thiện là mấy. May cho cô, mẹ chồng cũng là người có tư tưởng tân tiến, không mấy xét nét con dâu. Họa của Lan không đến từ mẹ chồng mà đến từ Hoa, cô em chồng.

Hoa năm nay 20 tuổi nhưng lại nhận thức rất rõ ràng về thiên chức làm vợ. Cô học nữ công gia chánh từ bé, ăn nói dịu dàng, bất cứ hành động nào cũng phải toát ra vẻ nữ tính. Với Hoa, việc con gái không biết nấu nướng, cười nói ồn ào chốn đông người, không thạo đường kim, mũi chỉ…là điều không thể chấp nhận được. Hoa lại vốn định mai mối cho anh trai mình với cô bạn thân. Nên khi thấy anh mình kết hôn với Lan, Lan lại vụng về chuyện nhà cửa thì cô càng thêm ác cảm. Để xả giận, Hoa bắt đầu những ngày “dạy dỗ” chị dâu mình trở thành một bà vợ đúng nghĩa.

Một ngày của Lan bắt đầu từ năm giờ sáng. Cô em chồng vào tận phòng để gọi chị dâu dậy để đi chợ sớm. Hoa dặn dò chị từng tí một cách chọn đồ ngon, đồ tươi. Mua cá thì phải nhìn vảy ra sao, nhìn mang thế nào…rồi trở về nhà và cùng chị vào bếp. Bất cứ điều gì Hoa dạy chị dâu, cô cũng bắt chị phải ghi lại và để ý học thuộc. Mỗi buổi đi chợ, cô lại hỏi chị để kiểm tra xem chị “học hành” thế nào. Biết em cũng chỉ muốn tốt cho mình nên Lan cũng không phàn nàn nhiều mà cố gắng học. Chỉ phải tội, mội khi nhà có khách, hai chị em cùng nhau nấu nướng, Lan đều bị cô em chồng làm cho ngượng chín mặt.

Bạn bè, anh em gia đình tụ họp đông đủ, tiếng của cô em trong bếp cứ ầm ầm: “Chị phải cho muối vào trước thì rau nó mới xanh mướt được”; “Bỏ ngay cái vung ra không lại vàng hết rau bây giờ”; “Khổ quá! Làm vợ rồi mà ba cái chuyện nhỏ xíu này cũng không biết”…Cô chỉ biết cười trừ chữa ngượng. Ngoài chuyện ăn uống, em chồng còn dạy Lan cả chuyện giặt giũ. Quần áo màu thì phải dùng xà phòng này, ấn nút máy giặt chỗ này; quần áo lụa bị nhăn thì phải là lượt ra sao…Việc đi đứng, nói cười của Lan cũng bị Hoa “chỉnh”.

Nguyên tắc của Hoa là “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” và cô bắt chị dâu cũng phải tuân thủ theo nó. Hễ Lan có biểu hiện đi chệch hướng, nếu không tiện nhắc, Hoa sẽ nhắn tin: “Chị cười nhớ lấy tay che miệng lại”; “Giọng chị hơi cao quá, nói nhỏ xuống một chút đi”…Hơn ba tháng về nhà chồng, Lan từ một cô tiểu thư lá ngọc cành vàng, quen được cơm bưng nước rót đã bắt đầu thích ứng với cảnh thức khuya, dậy sớm, chuẩn bị cơm nước cho cả nhà dù vẫn có phần vụng về. Cô tâm sự: “Những ngày đầu mình thấy cô em chồng sao mà lắm chuyện thế, hành mình lên xuống. Nhưng giờ thì lại phải cảm ơn con bé vì nhờ nó, mình mới thoát được khỏi cái vỏ đã bao bọc mình bao năm nay”.

Mối quan hệ giữa chị dâu – em chồng đã khiến không ít cô dâu khốn khổ bởi đủ thứ mà em chồng bày ra. Xét cho cùng, những mâu thuẫn trong mối quan hệ đó bắt nguồn từ việc không hiểu nhau, không chia sẻ được cùng nhau. Nếu khéo léo, chịu khó lắng nghe, chị dâu sẽ dễ dàng lấy lòng được em chồng, biến được “giặc bên Ngô” thành “giặc bên mình”. Điều đó sẽ giúp củng cố quan hệ của cô dâu với nhà chồng. Như một công thức bất dịch để làm dâu thật tốt mà các cô phải nhớ đó là “Yêu chồng, yêu cả nhà chồng”. Chỉ cần thật lòng yêu thương, yêu thương sẽ được đền đáp.

  • Đan Anh

Bài viết mới nhất

Khai mạc giải Lân Sư Rồng toàn quốc lần I 2025: Cuộc so tài đỉnh cao của bản lĩnh và truyền thống võ thuật...

Sáng 12/5/2025, Giải vô địch các đội mạnh Lân Sư Rồng toàn quốc lần thứ I chính thức khai mạc tại...

Giải vô địch các đội mạnh Lân Sư Rồng Toàn quốc lần thứ I năm 2025 chính thức khởi tranh

Sáng ngày 12/5/2025, tại chùa Hổ Sơn – Quảng Nghiêm Thiền Tự (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), Giải vô địch...

Khai mạc Giải Vô địch các đội mạnh Lân Sư Rồng Toàn quốc lần thứ I năm 2025

Ngày 12 tháng 05 năm 2025 tại Chùa Hổ Sơn – Huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định “Lễ khai mạc Giải...

Phạm Công Minh hạ knock-out ‘Thần Sấm’ Zakhar, bảo vệ thành công đai vô địch MMA

Tối 10/5, tại Nhà thi đấu Tây Hồ (Hà Nội), trận tranh đai hạng 84kg nam giữa Phạm Công Minh và...

Võ sinh IVS tưởng niệm 65 năm ngày mất Cố Võ sư Nguyễn Lộc – Người đặt nền móng cho Vovinam

Sáng ngày 10/5, tại Trường IVS TP. Hồ Chí Minh, lễ tưởng niệm 65 năm ngày mất của Cố Võ sư...