“Tôi đã chọn giải pháp của riêng mình để ba bố con ‘nghiện’ những cung đường, cảnh quan thiên nhiên trên những cung đường của tổ quốc…”, Nhà báo Phạm Trung Tuyến.
“Cuối tuần này nhà ta sẽ đi đâu vậy bố?”
“Câu hỏi ấy, tôi được biết rằng với nhiều ông bố bà mẹ bận rộn, có thể là sức ép và sự bí bách. Tôi thì khác, luôn mong đợi hai đứa nhỏ cất tiếng là sẵn sàng lên đường, thậm chí nhiều chuyến đi ngẫu hứng mà không hề có một kế hoạch trước đó.”
Từ ham muốn dịch chuyển
Chuyến đi vườn cam Tuyên Quang cách đây ít ngày, cũng như bao chuyến đi trước đó, là một ý tưởng ngẫu hứng của bố con chúng tôi. Lúc đó đang là mùa cam chín, và tôi thì quen một đôi vợ chồng có trang trại cam trên núi. Vì thế, tôi nghĩ bọn trẻ con lên đó sẽ rất thích, được trải nghiệm hái cam, nấu tinh dầu cam, và ăn các món ăn có nguyên liệu từ cam… Hơn nữa hành trình đó cũng có phong cảnh đẹp, có những điểm cắm trại thú vị, lại có cả điểm chèo thuyền Kayak.
Nhưng chuyến đi đó cũng đặc biệt, bởi là chuyến đi xa đầu tiên khi tôi đổi chiếc xe mới. Cậu con trai từ bé đã tỏ ra quan tâm và ham thích ô tô, nên thắc mắc vì sao vẫn là xe bán tải mà bố lại phải đổi. Tôi muốn nhân một chuyến đi qua những địa hình khác nhau để truyền thêm cảm hứng đam mê cho cậu bé, giải thích với cậu bé về những tính năng của chiếc xe mới mà trên xe cũ không có.
Hôm đầu xuất phát từ Hà Nội, trên đường đi bố con tôi rẽ vào khu di tích Tân Trào cho bọn trẻ tìm hiểu lịch sử, và ăn trưa. Chiều đến nơi cắm trại, hạ trại và nấu ăn ở huyện Yên Sơn. Hoạt động mà bọn trẻ đặc biệt yêu thích trong ngày hôm sau là những công việc ở vườn cam sâu trong núi đá thuộc huyện Hàm Yên. Các con được tham gia hái cam, nấu tinh dầu, giao lưu với người dân địa phương, tìm hiểu phương pháp trồng cam trên núi cao, tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc Dao.
Bọn trẻ nhà tôi ngay từ khi chỉ có mấy tuổi đã thích cắm trại, ngủ lều, đôi lúc còn “ngẫu hứng” đến mức ngủ ngay trên thùng xe. Chuyến đi này có 2 đêm thì cả hai đêm đều ngủ lều. Tôi thích cảm giác được gần gũi với thiên nhiên hơn, và đây là cơ hội để tụi nhỏ học các kỹ năng dã ngoại một cách trực tiếp và thú vị hơn. Với bọn trẻ, ngủ lều có gì đó lãng mạn và kích thích, cảm giác nghe tiếng côn trùng kêu ngay bên tai, rồi thức dậy, vén cửa lều thấy bình minh… Khi ba bố con nằm trong một mái lều giữa thiên nhiên, sự gần gũi, và nhu cầu chia sẻ, tâm sự sẽ trở nên tự nhiên.
Đến chọn bạn đồng hành
Với nhu cầu thường xuyên đi dã ngoại ở những vùng đường sá khó khăn, lại mang nhiều đồ đạc, nên tôi đã chọn bán tải từ nhiều năm trước, và giờ là Wildtrak phiên bản mới 2019. Lý do thuyết phục để tôi lựa chọn chiếc xe này là nó có thiết kế vạm vỡ và khỏe khoăn, giá hợp lý, vận hành tốt trên mọi điều kiện địa hình và hội tụ được rất nhiều công nghệ tiên tiến mà chỉ có thể tìm thấy trên những chiếc SUV đắt tiền gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Một trong những yếu tố khiến tôi trung thành với bán tải là khả năng vận hành mạnh mẽ mà lại tiết kiệm nhiên liệu. Chi phí nhiên liệu cho mỗi km đường hết khoảng 1.200 đồng. Có thể kể ra như động cơ chỉ 2.0L của chiếc xe này chỉ tiêu tốn hơn 7 lít/100km, hộp số 10 cấp rất mượt, hệ thống khung gầm chắc chắn.
Chiếc xe mà tôi đang sử dụng còn có chống ồn chủ động và đặc biệt là hệ thống giải trí tích hợp tính năng CarPlay cùng hệ thống điều khiển bằng giọng nói SYNC 3. Tất cả các công nghệ đó giúp quá trình lái xe thật sự nhàn nhã và thư thái.
Hãy tưởng tượng bạn muốn chở cả gia đình nhỏ, kèm theo đó là một chiếc thuyền, vài chiếc xe đạp, lều di động, bếp dã ngoại, chăn đệm và hàng tá đồ ăn thức uống… Tôi cũng trải qua nhiều dòng xe và nhận thấy chỉ khi ngồi lên chiếc bán tải 2 cầu, tôi mới có cảm giác thoải mái vượt qua những địa hình khó khăn, không ngại bùn bẩn, không ngại dốc cao, rừng sâu – cảm giác mà bạn không bao giờ có được khi ngồi trên những chiếc xe gầm thấp hay bóng bẩy. Dần dần, chiếc xe giống như một thành viên thứ tư trong gia đình chúng tôi vậy.
Cuộc sống là hành trình
Những chuyến đi của bố con tôi vốn rất ngẫu hứng. Nhưng điều đọng lại mãi trong những chuyến đi đó lại là do các con tôi mang lại. Tôi không thể quên những câu hỏi như ‘Bố ơi món này làm bằng gì mà ngon vậy? Hà Nội sao không có hả bố?’, ‘Bố ơi sao quần áo của người dân tộc H’Mông lại nhiều màu thế?’ hay ‘Bố ơi họ đeo nhiều bạc trên cổ để làm gì?’… Thật thú vị, có những điều tôi biết tôi giải thích, nhưng cũng có những điều tôi chưa biết nên lại cùng các con trực tiếp đi tìm hiểu hoặc tôi gợi ý để chúng tự tìm ra đáp án của mình.
Sau các chuyến đi, tiếp xúc với các em nhỏ vùng cao còn nhiều khó khăn thiếu thốn, tôi cũng nhận ra rằng các con tôi biết đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn. Chúng hòa đồng, không phân biệt sang hèn hay vùng miền. Cùng với đó là những chuyến đi vất vả, nhưng cả nhà cùng nhau vượt qua, và hiệu quả mà tôi cảm nhận được là các con tôi đối mặt với những khó khăn thường ngày một cách bình tĩnh hơn, tự tin hơn.
Và tôi nghĩ rằng, từ việc cuốn vào những chuyến đi, mà tôi đã thành công ít nhiều trong việc ‘cai nghiện’ cho các con của mình. Nhiều đứa trẻ ngày nay ‘nghiện’ thiết bị di động, thậm chí chúng phát triển lệch lạc, khả năng giao tiếp kém, sống thiếu thực tế, tất cả chỉ vì vùi đầu vào cuộc sống ảo trên màn hình. Tôi đã chọn giải pháp của riêng mình để giải quyết vấn đề đó, và giờ ba bố con lại quay sang ‘nghiện’ cái khác: ‘nghiện’ những cung đường, cảnh quan thiên nhiên, ‘nghiện’ màu xanh của núi rừng, ‘nghiện’ đến cả bùn đất…
“Hãy thử đi, rồi các bạn sẽ lại ‘nghiện’ như gia đình tôi cho mà xem!”, Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Đài tiếng nói Việt Nam.