Đây là một khoảng thời gian tồi tệ của bóng đá châu Phi khi họ không có một đại diện nào vượt qua được vòng bảng World Cup 2018.
Tuy nhiên, một chút niềm hứng khởi và hy vọng của họ sẽ được thắp lên sau khi nhận ra, ở một nước Anh xa xôi khác, một cầu thủ châu Phi đã tiếp tục gia nhập Liverpool và được đánh giá sẽ còn phát triển rất nhanh trong tương lai.
Trở lại với thực trạng của bóng đá châu Phi. Đây là giải đấu đầu tiên kể từ khi Cameroon năm 1982 dù bất bại ở vòng bảng nhưng vẫn không thể có tấm vé đi tiếp, châu Phi mới không có một đại diện nào ở vòng knock out như thế này.
Năm 1990, Pele từng dự đoán rằng một đội bóng châu Phi sẽ lên ngôi vô địch World Cup và cho đến giờ, điều này vẫn chưa thể xảy ra.
Cần thẳng thắn thừa nhận rằng các đại diện châu Phi đã có rất nhiều cơ hội để đi tiếp ở World Cup năm nay – nhưng kết quả là họ vẫn không thể nắm lấy nó và phải trả giá đắt.
Tuy nhiên, thất bại về mặt đội tuyển không có nghĩa là châu Phi không tạo nên được những cái tên xuất sắc và có lẽ, người hâm mộ Liverpool là người đồng tình với điều này nhất.
Keita – cầu thủ đến từ Guinea – quốc gia chưa bao giờ đủ điều kiện để tham dự World Cup – đã bắt đầu đến Melwood và tập luyện thể lực mặc dù đến tuần sau, đội bóng này mới hội quân và huấn luyện viên Jurgen Klopp vẫn đang trong kỳ nghỉ của mình.
Một sự nhiệt tình và hăng hái đáng khen ngợi đến từ tiền vệ 23 tuổi này. Thật ra, Keita cũng đã phải đợi rất lâu để được khoác lên người chiếc áo đỏ của đội chủ sân Anfield. Ngày 28 tháng 8 năm ngoái, câu lạc bộ chủ quản của anh – RB Leipzig – đã đồng ý bán anh cho Liverpool nhưng vì những lý do tuổi tác, mãi 10 tháng sau anh mới có thể chính thức trở thành người của The Kop.
Hiện tại, ở Liverpool, danh sách những cầu thủ đến từ châu Phi đã tăng lên rất nhiều. Quan trọng hơn, đây đều là những cái tên chủ chốt và có thể mang lại sự khác biệt lớn cho đội bóng. Có thể kể đến như Sadio Mane (người Senegal); Mohamed Salah (người Ai Cập) và Joe Matiep (người Cameroon gốc Đức).
Nhìn có vẻ lạ lẫm khi không phải những ngôi sao châu Âu mà chính những cầu thủ châu Phi mới là trụ cột của đội bóng này. Dẫu vậy, nếu nhìn về quá khứ, đây không phải là lần đầu tiên Liverpool mới cho thấy họ là mảnh đất lành cho các cầu thủ châu Phi.
Đội bóng vùng Merseyside này có lịch sử lâu dài trong việc tìm kiếm và phát triển những tài năng đến từ lục địa đen. Bộ ba cầu thủ người Nam Phi Gordon Hodgson, Arthur Riley và Berry Nieuwenhuys là những người “đặt nền móng” cho Lữ đoàn đỏ trong giai đoạn giữa Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai. Cả 3 đã cùng có đến 916 lần ra sân thi đấu cho đội bóng này.
Hogson đặc biệt hơn, còn là cầu thủ ghi bàn hàng đầu của câu lạc bộ tại thời điểm anh ra đi và gia nhập Aston Villa năm 1936 – 241 bàn thắng, một kỷ lục thật sự. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, kỷ lục ghi bàn của anh vẫn đang đứng thứ 3 trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho câu lạc bộ, sau Ian Rush (346 bàn) và Roger Hunt (286 bàn).
Một khoảng thời gian sau, sự xuất hiện của những người châu Phi ở sân Anfield lại tiếp tục tăng lên. Người hâm mộ đội bóng này những năm 70 của thế kỷ trước chắc chắn không thể quên được thủ môn huyền thoại của họ – Bruce Grobbelaar. Trở thành một điểm tựa vững chắc nơi khung thành cho các cầu thủ tuyến trên, anh đã cùng Liverpool giành được vô vàn danh hiệu cao quý, bao gồm 6 cúp vô địch Anh, 3 cúp FA, 3 cúp Liên đoàn và 1 cúp châu Âu. Trên bảng xếp hạng những cầu thủ có số lần ra sân cho Lữ đoàn đỏ nhiều nhất, Bruce đứng thứ 9 với 628 trận.
Bước vào kỷ nguyên Ngoại hạng Anh (giải hạng nhất của Anh đổi tên thành Premier League từ năm 1992 và tồn tại đến ngày nay), Liverpool vẫn liên tục chào đón những nhân tài bị bỏ sót từ châu Phi đến và đi – tạo thành một tập thể trộn lẫn nhiều cầu thủ hàng đầu trên toàn thế giới.
Người đồng hương của Keita – Titi Camara – là một trong số đó. Nhiều cổ động viên của Liverpool có lẽ sẽ không quên được khoảnh khắc Titi ghi bàn vào lưới West Ham trong một ngày tháng 10 năm 1999 – chỉ 1 ngày sau khi cha của anh mất và ăn mừng đầy cảm xúc.
Bên cạnh đó, là một Kolo Toure (người Bờ Biển Ngà) đầy ấm áp cả trong sân lẫn ngoài đời, hay một Mohamed Sissoko (người Mali) – kiên cường vượt qua chấn thương để toả sáng.
Dĩ nhiên, bên cạnh những cái tên rực sáng thành công thì cũng có những cái tên gây thấy vọng nặng nề. Bộ đôi cầu thủ Senegal – Salif Diao và El-Hadji đã không thể trình diễn lại thứ bóng đá hàng đầu mà họ từng chơi ở World Cup 2002 trong đội hình Lữ đoàn đỏ sau này.
Thủ môn Charles Itandje (người sinh ra ở thủ đô Paris của Pháp nhưng gốc Cameroon) bị đánh giá điểm thấp nhất trong danh sách những cầu thủ châu Phi từng thi đấu ở đây và cuối cùng, là tiền đạo người Nam Phi – Sean Dundee. Toả sáng với bóng đá Đức nhưng từ khi chuyển sang Anh, Sean đã đánh mất tất cả và chỉ được ra sân 5 lần và không ghi được bàn nào cả.
Nhìn chung, sự thể hiện của các cầu thủ châu Phi ở Liverpool vẫn là một sự khích lệ hay nói đúng hơn, là một tấm gương lớn cho Keita noi theo và học hỏi. Cầu thủ trẻ này đã dám “cả gan” chọn số áo mà huyền thoại của câu lạc bộ – Steven Gerrard để lại – áo số 8 và hãy cùng chờ xem, liệu anh có thể vượt qua Salah và Mane ở mùa tới để cùng Liverpool chinh phục các đỉnh cao khác hay không.