Từ xưa đến nay, dân gian quan niệm đám cưới là ngày vui nhất cuộc đời, còn đám tang là sự kiện đau buồn, thương tiếc. Chính vì vậy để tránh những điều không may mắn, nhiều người tin rằng cách tốt nhất nên hạn chế tổ chức lễ cưới trùng thời điểm với đám tang. Đặc biệt, ở nhiều địa phương còn có quy định, chỉ cần trong nhà có tang lễ thì sau 3 năm (hoặc nhiều hơn tùy theo phong tục từng vùng), gia đình đó mới có thể tổ chức tiệc cưới.
Tuy nhiên, mới đây, câu chuyện hy hữu đã xảy ra tại một vùng quê ở Trung Quốc thu hút sự bàn tán của đông đảo người xem. Được biết, chàng trai trong câu chuyện vốn đã bàn tính chuyện chung thân đại sự với nhà gái nhưng bất ngờ nhận tin dữ trước thời khắc quan trọng.

Theo truyền thông Sina đưa tin, cả nhà chú rể đều rời quê đi làm ăn xa. Chỉ có mẹ chú rể sống cách nhà gần nhất nên trước ngày cưới của con, bà đã về nhà trước để sắp xếp dọn dẹp và lo liệu chuẩn bị. Tuy nhiên trong lúc đang thu dọn lá khô trên mái nhà, bà đã bất ngờ gặp tai nạn không mong muốn. Vì trong nhà không có người nên mãi đến 3-4 ngày sau thì thi thể của bà mới được phát hiện.
Lúc này, thời điểm diễn ra đám cưới đã cận kề. Chứng kiến sự ra đi của mẹ khiến chú rể vô cùng đau đớn. Nhưng anh buộc phải đưa ra lựa chọn giữa việc tiếp tục tổ chức hôn lễ như dự định ban đầu hay hoãn lại ngày vui và chờ ít nhất 3 năm nữa mới có thể cưới vợ. Sau nhiều lần đắn đo, chú rể quyết định vẫn giữ kế hoạch như cũ, đó là để hôn lễ diễn ra, bất chấp cả việc đám tang cũng được tổ chức cùng ngày.


Mặc dù ai cũng bàng hoàng, đau xót khi biết tin, thế nhưng cô dâu vẫn hiểu chuyện và thông cảm cho quyết định của chồng mình. Chính vì thế nên cảnh tượng tưởng chừng như hiếm lạ, đám cưới và đám tang tổ chức cùng một ngày đã được ghi lại.
Sau khi đoạn clip được chia sẻ khắp các diễn đàn mạng đã tạo nên làn sóng bàn luận sôi nổi của người xem. Một bộ phận cho rằng không nên tổ chức đám tang và đám cưới chung một ngày vì lo sợ sẽ mang lại điềm xấu, không tốt lành cho cô dâu chú rể. Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ sự cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của chú rể. Vì quá cận kề ngày cưới, không thể báo hoãn với khách mời nên buộc lòng phải để ngày vui diễn ra trong không khí trầm lắng.

Theo tiết lộ của người dân địa phương, nghe thì có vẻ hiếm lạ nhưng thực chất việc tổ chức đám tang và đám cưới trùng nhau là lẽ bình thường. Ở nơi chú rể sinh sống, từng có tiền lệ tổ chức hai đám chung một thời điểm. Do nhiều nguyên nhân nên không thể tạm hoãn.
Ngoài ra, một số người trong vùng còn tiết lộ thêm, không có căn cứ quy định cụ thể nào về việc phải tổ chức đám cưới sau lễ tang ít nhất 3 năm. Không những thế, mọi người còn cho rằng, sự kính trọng, tưởng nhớ người đã khuất nên giữ trong lòng sẽ tốt hơn là phô trương ra bên ngoài. Nhất là không nên để nó trở thành những quy định cấm kỵ trong phong tục lễ tiệc ở địa phương.
Ảnh: Tổng hợp