Trong trận đấu tập chuẩn bị cho Tiger Cup 1996, từ một pha bóng đơn giản, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam, Trần Minh Chiến nghe tiếng “phựt” từ đầu gối, ngã gục xuống sân và bật khóc như đứa trẻ. Trên khán đài sân Thống Nhất, một số khán giả cũng ứa nước mắt vì tiếc cho tài hoa sáng giá của bóng đá nước nhà dừng cuộc chơi quá sớm vì chấn thương.
Trước đó, tiền đạo này từng đứt dây chằng đầu gối, sau đó phẫu thuật nhưng tiếp tục tái phát chấn thương. Vào thời điểm đó, tiền đạo Trần Minh Chiến là “sát thủ” của bóng đá Việt Nam, với danh hiệu á quân VĐQG năm 1993 rồi vô địch quốc gia cùng danh hiệu Vua phá lưới 1994, huy chương bạc SEA Games 1995, đành phải cay đắng chia tay sân cỏ vì chấn thương ở tuổi 22.
Có sự trùng hợp khá lạ kỳ giữa trung vệ Trần Đình Trọng và bậc đàn anh Trần Minh Chiến. Trung vệ Trần Đình Trọng tự té ngã và nghe tiếng “phựt” từ đầu gối, rồi bật khóc nức nở trên sân Pleiku. Trọng “ỉn” từng sang Hàn Quốc điều trị chấn thương, vừa trở lại sân cỏ để rồi tái phát chấn thương. Trong trận gặp U23 Thái Lan, Đình Trọng dù mới bình phục khoảng 70% vẫn cắn răng vào sân “quyết tử” cho U23 Việt Nam. Gần đây trong chia sẻ với truyền thông, cựu tiền đạo Trần Minh Chiến tiết lộ sự thật, anh giấu HLV trưởng về chấn thương đầu gối chưa bình phục ở trận bán kết gặp Myanmar tại SEA Games 1995, vì muốn vào sân thi đấu nên bất chấp tất cả.
Những năm gần đây bóng đá Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng lạc quan. Tuy nhiên, việc phát triển y học thể thao, chăm sóc cầu thủ bị chấn thương, quá trình hồi phục gần như là con số không. Câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia hầu như phó mặc tất cả để cầu thủ tự lo chữa trị theo kiểu hên xui. Bóng đá nước nhà chưa và không có một bác sĩ chuyên nghiệp để tư vấn, điều trị chấn thương cho cầu thủ.
Khi bị chấn thương nặng, các tuyển thủ Việt Nam phải sang Singapore, Hàn Quốc… phẫu thuật. Một điều đáng lo hơn cả là hiện tượng nhiều cầu thủ vì “máu” thi đấu, vì tiền thưởng, vì suất lên tuyển… mà giấu chấn thương với HLV trưởng như trường hợp tiền đạo Hà Đức Chinh (Đà Nẵng). Có thể nói bài học nhãn tiền từ cựu tiền đạo Trần Minh Chiến chưa khiến nhiều cầu thủ Việt Nam e sợ.
Dĩ nhiên không người hâm mộ nào muốn Trần Đình Trọng chia tay sân cỏ sớm. Theo chẩn đoán sơ bộ của bác sĩ Choi Ju-young, Trọng ‘ỉn” phải chia tay sân cỏ từ 4 đến 6 tháng. Nếu vắng Đình Trọng sẽ là tổn thất to lớn đối với U22 Việt Nam trong chiến dịch giành HCV SEA Games 2019. Từ trường hợp của Trần Đình Trọng, xa hơn nữa là cựu tiền đạo Trần Minh Chiến, những Vũ Văn Thanh, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Tuấn Anh… hãy xem đấy là minh chứng điển hình cho việc nóng vội thể hiện trong khi chưa bình phục chấn thương để rồi nhận kết cục không may mắn.
Nếu muốn sự nghiệp kéo dài, cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam nói chung và tuyển thủ quốc gia nói riêng vừa bình phục chấn thương đừng vì lợi ích trước mắt mà bất chấp tất cả thi đấu khi chưa hoàn toàn bình phục. Có thể sẽ là vinh quang nhất thời nhưng đôi khi phải đánh đổi bằng việc chia tay sân cỏ ở tuổi đôi mươi như trường hợp cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam, Trần Minh Chiến.