V-League đã bước sang tuổi 19 khoác chiếc áo chuyên nghiệp đầy màu sắc. Tuy nhiên, thực tế diễn ra xuyên suốt thời gian qua cho thấy, giải đấu này phát triển thiếu ổn định, mong manh, phụ thuộc hoàn toàn vào những nhà tài trợ, các ông bầu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nói chính xác, V-League thiếu căn cơ, không có nền móng ổn định.
Nên nhớ Thanh Hoá không phải là đội bóng “dạng vừa” tại V-League. Trong 5 mùa giải gần nhất, đội bóng xứ Thanh 2 lần về nhì, 2 lần hạng ba. Thế nhưng do đá hoài, đá mãi…không vô địch V-League nên nhà tài trợ dứt khoát “cắt sữa”, chia tay đội bóng. Có lẽ chỉ ở Việt Nam, một đội bóng mùa trước còn quyết đấu cho chức vô địch, tranh tài ở AFC cúp, mùa sau cạnh tranh… suất tránh rớt hạng.
Mất khoản tài trợ khoảng 120 tỷ, từ vị trí á quân V-League 2018, Thanh Hoá rớt xuống vị trí cầm đèn đỏ. Sẽ không ngạc nhiên nếu Thanh Hoá rớt hạng vào cuối mùa giải, thậm chí giải tán đội bóng vì thiếu kinh phí. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên Thanh Hoá lao đao vì nhà tài trợ. Trong quá khứ, các doanh nghiệp đã chuyển giao đội bóng cho tỉnh 3 lần và Thanh Hoá thay tên đổi họ rất nhiều lần vì thiếu hụt tài chính: Halida Thanh Hoá, Xi Măng Công Thanh Thanh Hoá, Viettel Thanh Hoá, Lam Sơn Thanh Hoá, FLC Thanh Hoá.
Rõ ràng, hình ảnh Thanh Hoá là bức tranh thu nhỏ của V-League. Có thể liệt kê một số đội bóng nổi tiếng sau một đêm rồi bị “khai tử” tại V-League do nhà tài trợ xuất hiện và biến mất: Ngân hàng Đông Á, Vissai Ninh Bình, Navibank, Sài Gòn Xuân Thành… Bóng đá chuyên nghiệp là thế! Thế nhưng thật khó chấp nhận việc V-League vẫn chưa có CLB nào “tự nuôi sống” bản thân bằng nguồn bán vé, mua bán cầu thủ, bản quyền truyền hình… dù sắp bước năm thứ 20 làm bóng đá chuyên nghiệp.
Tương phản với Thanh Hoá là trường hợp SLNA. Thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng vừa nhận gói tài trợ khoảng 20 tỷ, thi đấu hưng phấn, lần đầu tiên thắng trên sân khách Đà Nẵng, tạm nhảy lên vị trí thứ nhì trên bảng xếp hạng. Có thể nhận ra sự khác biệt về tinh thần thi đấu của đội bóng xứ Nghệ trước và sau khi có nhà tài trợ.
Hà Nội FC là một trường hợp hiếm hoi cho thấy sự ổn định. Việc nhà tài trợ cam kết gắn bó khiến đội bóng thủ đô yên tâm đeo đuổi mô hình chuyên nghiệp từ hệ thống đào tạo trẻ đến đội 1. Trong hơn 13 năm, Hà Nội chỉ có duy nhất một nhà tài trợ và thay đổi chủ tịch CLB 1 lần. Sự gắn bó liên tục này giúp họ thành công với 4 chức vô địch V-League, 4 lần á quân V-League, 2 lần giành siêu cúp… Hệ thống đào tạo trẻ Hà Nội đã giới thiệu những gương mặt triển vọng, trở thành trụ cột các đội tuyển trẻ và đội tuyển Việt Nam: Nguyễn Quang Hải, Phạm Đức Huy, Đoàn Văn Hậu…
Tuy nhiên, sự thành công của Hà Nội FC tiềm ẩn một nguy cơ, đó là đội bóng thủ đô, cũng như các đội bóng khác tại V-League, hoàn toàn phụ thuộc vào sự hào phóng của nhà tài trợ. Thế nhưng rõ ràng nhà tài trợ không phải là “bầu sữa vô hạn”. Nếu một ngày nào đó, nhà tài trợ cho Hà Nội “chán” bóng đá, rút lui như cái cách FLC chia tay Thanh Hoá, thì Hà Nội FC, các cầu thủ, V-League… sẽ như thế nào? Mọi chuyện đều có thể xảy ra vì ai đó nói rằng nếu không có những lùm xùm về các ông bầu, nhà tài trợ…thì không phải là V-League và bóng đá Việt Nam.