Sau trận thua muối mặt trước Crystal Palace, người ta đã chê trách sự bất cẩn của Paul Pogba và David de Gea khiến đội nhà thua bàn quyết định. Hay có người tiếc do sự kém duyên của Marcus Rashford, bởi nếu quả 11m của anh thành công thì cục diện trận đấu đã khác rồi. Nhưng vấn đề lớn nhất của Man United phải chăng chỉ nằm ở các cầu thủ?
Trận ra quân thắng Chelsea tới 4 – 0 là sự khởi đầu quá mỹ mãn với Man United lúc này. Thế nhưng nếu là một chiến lược gia sáng suốt, Ole Gunnar Solskjaer sẽ nhận ra rằng thực chất Chelsea đá hay hơn. Còn cái hơn của Man United chính là tỷ số và khả năng tận dụng cơ hội. Tất nhiên việc tận dụng được cơ hội ngoài do chúng ta giỏi còn do đối phương kém. Mà Chelsea lúc này có kém cũng là điều hết sức bình thường.
Vậy mà, dù thua Man United tới 4 bàn không gỡ thì người ta vẫn khen đội bóng của Frank Lampard hơn bởi lối chơi thanh thoát và bài bản. Trong khi ấy kẻ thắng như Man United lại bị nghi ngờ không ít. Ngay thời điểm ấy người ta đã tự hỏi: Man United dù chơi phản công hay như vậy nhưng nếu gặp đội không tấn công thì sao? Địch động ta động, còn địch bất động ta phải làm gì?
Và tiếc thay, câu hỏi đó rất nhanh đã có câu trả lời bởi Wolves và Crystal Palace khiến cho Quỷ đỏ phải nhận hai kết quả tệ dần là hòa rồi thua. Rõ ràng khi đối phương cũng chơi phản công như họ thì Man United không thể áp đặt. Khi ấy chính Man United lại dính phải đòn hồi mã thương – thứ mà họ thường làm rất tốt.
Đấy không phải là tác phong của một đội bóng lớn bởi nếu là Man City hay Liverpool thì họ luôn biết cách áp đặt lối chơi lên đối phương và khiến đối thủ phải chơi theo cách của mình. Quan trọng là kết quả cuối cùng không thể khác hơn là chiến thắng. Man United trái lại, họ bối rối khi Crystal Palace co cụm và mất bình tĩnh đến mắc sai lầm. Các cầu thủ đương nhiên phải chịu trách nhiệm của mình nhưng với tư cách là HLV trưởng, Solskjaer phải là người đáng bị chê trách nhất?
Chẳng ai hiểu được tại sao HLV người Na Uy cứ phải tin tưởng vào Scott McTominay, Jesse Lingard dù họ đã cho thấy sự thất vọng từ trận đầu ra quân. Bên ngoài sân ông vẫn còn đó những Nemanja Matic, Fred hay thậm chí là Alexis Sanchez để mang đến sự mới mẻ nhưng cuối cùng Solsa vẫn cứ tin vào những đứa trẻ của mình. Ông nên hiểu rằng những người trẻ dù có thể bùng nổ nhưng khi bị khó khăn cũng dễ khiến họ đánh mất chính mình. Từ trận hòa Wolves đến thất bại trước Crystal Palace, hàng loạt vấn đề của Man United đã được nói đến trước đó đều được phơi bày ra. Chelsea không gặp may mới không trừng phạt Quỷ đỏ được. Vậy mà Solsa đã lấy trận đại thắng trước Chelsea làm kim chỉ nam cho các bước đi tiếp theo để rồi phải đón nhận thất bại ê chề như vậy.
Không phủ nhận Solskjaer đang có trong tay một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết. Nhưng họ chưa thể (hoặc mãi không tới) như thế hệ vàng 92 thời Sir Alex Ferguson. Và Solsa cũng không phải là Sir Alex. Một khoảng cách quá rõ ràng. Cho nên nếu muốn Man United thay đổi thì chính Solskjaer phải thay đổi chính mình trước tiên.
(Bạn đọc: Cát Tường)