Dĩ nhiên việc một tân binh ra mắt người hâm mộ cũng như giới truyền thông là công đoạn dễ dàng và hạnh phúc nhất giữa các bên, mặc dù vậy, để đến được với giai đoạn này gần như sẽ phải bao gồm những yếu tố khác rất phức tạp. Trong bài viết này, tác giả xin nêu ra quy trình cơ bản để một đội bóng tìm được một cầu thủ tân binh.
Công tác tuyển trạch
Đây là những bước xúc tiến đầu tiên của câu lạc bộ khi muốn tìm một sự thay thế xứng đáng cho vị trí cần bổ sung. Khi đó, các tuyển trạch viên của đội bóng này sẽ có nhiệm vụ toả ra và tìm kiếm những cái tên phù hợp, và dĩ nhiên là cũng cần quan sát theo yêu cầu Huấn luyện viên trưởng, người chịu trách nhiệm chính về chuyên môn.
Mạng lưới của những trinh sát, nhất là tại các đội bóng lớn thường có phạm vi toàn cầu, đó là lý do tại sao nhiều trường hợp “khỉ ho cò gáy” vẫn có thể đến với thiên đường bóng đá Châu Âu. Ngoài ra, các dữ liệu cầu thủ trên hệ thống Internet cũng là một phần giúp họ tìm kiếm những cái tên xác định, hoặc cũng có thể một tuyển trạch viên nào đó “đam mê FIFA ONLINE” sẽ dễ dàng tìm ra những cái tên ưng ý cho đội bóng.
Sau khi họ đã tìm ra được một vài cầu thủ phù hợp, họ sẽ có nhiệm vụ báo cáo lên HLV trưởng theo một bản danh sách. Người phụ trách chuyên môn của đội bóng sẽ dựa theo những thống kê của từng cầu thủ trong bản danh sách này và đưa ra quyết định “xem giò” những ứng viên mà người này cho là có thể sẽ thành công với đội bóng.
Trên thực tế, các con số hay những màn trình diễn trên sân đôi khi vẫn đánh lừa những ngườ làm công tác tuyển trạch và cả người xem giò. Điển hình là trường hợp của Bebe – Man Utd – Sir Alex Ferguson năm 2010, một thương vụ trò hề của đội bóng thành Manchester.
Phân đoạn cuối cùng trong công tác này sẽ là dự trù chi phí chiêu mộ qua các yếu tố như giá trị tiềm năng (chuyên môn và hình ảnh thương mại), mức lương đáp ứng, mong muốn của cầu thủ tại đội bóng mới sẽ thế nào…
Công tác đàm phán hợp đồng
Khi đã nắm rõ giá trị của cầu thủ, đội bóng sẽ phải cử ra những đại diện để gặp gỡ với với câu lạc bộ chủ quản của cầu thủ mà họ xác định sẽ ký hợp đồng với anh ta. Sau đó sẽ là những tiếp xúc với người đại diện (nếu có) và có thể là cả những “cuộc đi đêm” với cầu thủ dù luật chuyển nhượng không cho phép điều này xảy ra.
Trên thực tế, nhiều câu lạc bộ gặp khó trong việc đàm phán, vì vậy họ đã làm việc trái phép với các cầu thủ để mong muốn có sự thuận lợi trong việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc này sẽ có rủi ro rất cao nếu họ để CLB chủ quản cầu thủ đó biết được, những án phạt từ các Uỷ ban hay Liên đoàn tương ứng sẽ được đưa ra nếu có đơn kiện. Trường hợp nổi tiếng gần đây nhất là việc Liverpool phải công khai xin lỗi Southampton trong thương vụi đi đêm với Virgil van Dijk.
Nhưng nếu công tác đàm phán công khai thành công, lúc này đội bóng cần người sẽ có những tiếp xúc với cầu thủ và đây là giai đoạn phải dùng đến tài chính hoặc sở thích của cầu thủ để đánh giá mức độ thành công. Vì nếu mức giá được đưa được cho là “bèo bọt” thì có thể thương vụ sẽ đổ vỡ.
Đó là chưa tính đến việc như John Obi Mikel gần như đã đến với Man Utd nhưng cuối cùng lại “yêu tiền” của Chelsea hơn, và cuối cùng đội chủ sân Old Trafford bị nẫng tay trên bởi những người London.
Công tác pháp lý
Ở giai đoạn này, đội bóng chủ quản sẽ có trách nhiệm xác nhận bản giao kèo giữa họ và cầu thủ để nộp lên hệ thống CN của FIFA (ITMS). Sau khi được xác định rõ ràng, đội bóng chủ quản sẽ cần tải lên những dữ liệu của cầu thủ về nội dung bản hợp đồng giữa đội bóng. Bên còn lại sẽ xác nhận và thống nhất nội dung bản hợp đồng đó, và cuối cùng là “con dấu” của cơ quan ITMS cho sự xác nhận này.
Công tác còn lại như tiến hành ký hợp đồng và các thủ tục với Liên đoàn và FIFA sẽ không mất nhiều công sức như những giai đoạn khác.
Vấn đề tài chính gần như đã được thông qua ở giại đoạn trước, nhưng với công tác pháp lý, đội bóng cần người vẫn cần chi ra những khoản lót tay cho các cá nhân khác và cầu thủ, mục đích để cho việc CN diễn ra “xuôi chèo mát mái” hơn.
Công tác kiểm tra y tế, xin giấy phép lao động và ra mắt đội bóng mới
Việc này mặc dù là rất đơn giản nhưng cũng có những trường hợp đã đổ bể vì cầu thủ không vượt qua được những bài kiểm tra thể lực theo quy định. Bởi nếu nó không được kiểm tra kỹ càng thì rất có thể sẽ xảy ra những trường hợp đáng tiếc trên sân cỏ, vì vậy chẳng đội bóng nào muốn mua về một người mà chẳng có ích cho đội.
Công đoạn xin giấy phép “hành nghề” cho cầu thủ cũng tương đối quan trọng, nó là giấy tờ chính để anh ta có thể chơi bóng công khai tại câu lạc bộ. Nhưng vẫn có trường hợp, dù đã mua được cầu thủ nhưng đội bóng vẫn phải để vào “chế độ chờ” trong khi tiếp tục xin giấp phép. Khi nào thành công, cầu thủ đó mới được chính thức chơi bóng tại câu lạc bộ mới.
Cuối cùng, sau khi tất cả đã xong xuôi, đây chính là lúc mà người hâm mộ thường thấy một anh chàng tân binh cập bến đội bóng mới, tươi cười và mặc hoặc cầm trên tay chiếc áo đấu, ký tặng và ra mắt báo chí cũng như người hâm mộ.