Thay đổi lớn nhất vừa được AFF đưa ra là số lượng đội tham dự AFF Cup 2018 sẽ tăng từ 8 đội như hiện tại lên thành 10 đội. AFF sẽ tính điểm các đội tuyển dựa vào thành tích thi đấu của AFF Cup 2016, để xếp lần lượt thứ hạng từ 1 đến 11. Đội đứng thứ 10 và 11 sẽ đấu play-off, nhằm tranh suất thi đấu tại AFF Cup 2018 cùng với 9 đội đứng đầu.
Thay đổi thứ hai về thể thức thi đấu. AFF Cup năm 2016 đã là giải đấu cuối cùng mà thể thức thi đấu chia thành hai bảng do hai nước đăng cai. Kể từ năm 2018 trở đi, AFF Cup vẫn chia thành hai bảng nhưng thể thức hoàn toàn khác. 10 đội phân thành 2 bảng, mỗi bảng đá vòng tròn hai lượt. Tương đương với việc mỗi đội ở vòng bảng sẽ thi đấu 8 trận chứ không phải 3 trận.
Kết thúc vòng bảng, hai đội đứng nhất, nhì mỗi bảng vào đá bán kết và sau đó là chung kết (đều đá lượt đi, lượt về sân nhà, sân khách).
Ông Trần Quốc Tuấn – phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, thành viên Ban Thi đấu AFF nói: “Từ ngày ra đời đến nay, AFF Cup đã hai lần thay đổi thể thức thi đấu. Khởi thủy, giải chỉ do một nước đăng cai vòng bảng nhưng sau nhận thấy cách tổ chức này không đem lại hiệu quả về mặt tuyên truyền nên AFF đã chuyển đổi thành hai nước đồng đăng cai.
Tuy nhiên, theo thời gian, thể thức nói trên lại vướng phải một khó khăn nội tại là việc đăng cai hầu như chỉ dồn vào những nước có năng lực tổ chức và cơ sở vật chất đảm bảo. Điều này không kích thích một số nước khác trong khu vực đầu tư nâng cấp sân bãi.
Thể thức thi đấu mới này sẽ đem đến nhiều phấn khởi cho người hâm mộ toàn khu vực. Hủy bỏ kế hoạch hai nước đồng đăng cai vòng bảng nhưng mở ra cơ hội cho tất cả các nước khác cùng chung tay trong công tác tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc, các quốc gia của khu vực đều phải nỗ lực nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu của AFF. Số trận của vòng bảng sẽ tăng lên, các đội tuyển sẽ được tạo cơ hội thi đấu nhiều hơn, trình độ được nâng cao hơn.
Khán giả khu vực được chứng kiến nhiều đội tuyển Đông Nam Á thi đấu. Ngày hội bóng đá vì thế sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Sẽ không còn có những trận đấu trung lập giữa hai đội không có chủ nhà khiến sân rất vắng”.
Cơ cấu giải thưởng kể từ AFF Cup 2018 sẽ tăng tương đối so với mức hiện nay là 200.000 USD cho đội Vô địch, 75.000 USD cho Á quân và và hai đội giải Ba mỗi đội nhận 50.000 USD.
Giải đấu cao nhất cấp khu vực năm tới sẽ diễn ra từ ngày 8-11 đến 15-12-2018 với sự tham dự của 10 đội tuyển và được chia vào 2 bảng, mỗi bảng 5 đội. Với vị thứ thứ 2 sau Thái Lan, ĐT Việt Nam chắc chắn sẽ thuộc nhóm hạt giống số 1 khi Ban Lịch thi đấu LĐBĐ Đông Nam Á tổ chức bốc thăm và xếp lịch thi đấu tại VCK AFF Cup 2018.
Theo kế hoạch dự kiến, lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu AFF 2018 sẽ được AFF tổ chức vào tháng 5-2018.
Thứ hạng của các đội tuyển cụ thể như sau:
1. Thái Lan (vô địch AFF Cup 2014, 2016) đạt tổng điểm 22.
2. Việt Nam (Đồng hạng Ba AFF Cup 2014, 2016) đạt tổng điểm 18.
3. Indonesia (Thắng 1 hòa 1 thua 1 tại Vòng bảng AFF Cup 2014, Á quân 2016) đạt tổng điểm 17.
4. Malaysia (Á quân AFF Cup 2014, Thắng 1 hòa 0 thua 2 tại vòng bảng AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 17.
5. Philippines (Đồng hạng Ba AFF 2014, Thắng 0 hòa 2 thua 1 tại vòng bảng AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 15.
6. Myanmar (Thắng 0 hòa 1 thua 2 tại vòng bảng AFF Cup 2014, Đồng hạng Ba AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 14.
7. Singapore (Thắng 1 hòa 0 thua 2 tại vòng bảng AFF Cup 2014, Thắng 0 hòa 1 thua 2 tại vòng bảng AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 11.
8. Campuchia (Thắng 2 hòa 0 thua 2 tại vòng loại AFF Cup 2014, Thắng 0 hòa 0 thua 3 tại vòng bảng AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 7.
9. Lào (Thắng 0 hòa 0 thua 3 tại vòng bảng AFF Cup 2014, Thắng 2 hòa 0 thua 1 tại vòng loại AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 7.
10. Timor Leste (Thắng 1 hòa 1 thua 2 tại Vòng loại AFF Cup 2014, Thắng 1 hòa 0 thua 2 tại vòng loại AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 4.
11. Brunei (Thắng 0 hòa 0 thua 4 tại Vòng loại AFF Cup 2014, Thắng 0 hòa 0 thua 3 tại vòng loại AFF Cup 2016) đạt tổng điểm 2.