Những năm gần đây, bóng đá trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Tồn tại suốt 155 năm, có mặt trên 200 quốc gia, nghiễm nhiên bóng đá trở thành môn thể thao vua. Các giải đấu mang tính cạnh tranh bắt đầu nổ ra. Sự bất cập trong cách thức thi đấu, tiền thưởng buộc phải có một tổ chức đứng đầu. Và thế là năm 1904, FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) ra đời.
Trong những ngày đầu, FIFA hoạt động với tiêu chí cải tiến và phát triển môn thể thao vua rộng rãi toàn cầu. Là tổ chức phi lợi nhuận, họ kiếm tiền chủ yếu từ các sự kiện thi đấu, quảng cáo, đặc biệt là nguồn lợi khổng lồ từ World Cup. Các giải đấu lục địa và FIFA Confederations Cup cũng là nguồn thu béo bở của FIFA. Các chiến lược kinh doanh hiệu quả đã giúp Liên đoàn bóng đá thế giới nổi lên không khác gì một doanh nghiệp dẫn đầu.
Công việc kinh doanh World Cup bắt đầu phất lên từ kỳ 1990, khi bản quyền phát sóng tăng đột biến. Kể từ mùa thi đấu năm 1998 (tổ chức tại Pháp), tổng doanh thu từ World Cup của FIFA đã tăng 11 lần. Thành công tài chính của sự kiện thể thao này là điểm sáng trong tăng trưởng của ngành thể thao. Ngân sách niên khóa 2015-2018 của FIFA là 4,9 tỷ USD, trong đó có 2,15 tỷ USD dành cho World Cup 2018 diễn ra tại Nga. Thực tế, có tới 3,8 tỷ USD trong số tiền tổng được đầu tư trực tiếp cho bóng đá.
Việc tổ chức một sự kiện lớn và phổ biến như vậy đòi hỏi rất nhiều đầu tư, đặc biệt là trong việc xây dựng và nâng cao cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Vì vậy, đất nước thắng thầu sẽ thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư, có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Với việc nhiều quốc gia đang cạnh tranh để tổ chức World Cup, FIFA nghiễm nhiên trở thành kẻ có lợi. Chẳng những không tốn đồng nào đầu tư về cơ sở hạ tầng cho nước chủ nhà, tổ chức này còn thu được lợi nhuận khổng lồ bằng cách bản quyền truyền hình, quyền tiếp thị và quyền cấp phép cũng như doanh số bán vé.
Dễ thấy nhất là kỳ World Cup 2014 trên đất Brazil, FIFA thu về 527 triệu USD tiền bán vé. Về quyền tiếp thị, con số lên đến 1,580 tỷ USD. Cao nhất phải kể đến tiền bản quyền truyền hình, Liên đoàn bóng đá thế giới bỏ túi món lời khổng lồ 2,428 tỷ. Ngoài ra, thu nhập khác và thu nhập tài chính chiếm lần lượt 271 triệu USD và 310 triệu USD. Tóm lại, doanh thu của FIFA đạt 5,718 tỷ USD từ 2011-2014, 89,8% trong số đó đến từ doanh thu liên quan đến sự kiện World Cup.
Sau khi phân tích các con số, dễ dàng kết luận rằng việc tổ chức World Cup một mình là chiến lược có lợi và rủi ro thấp đối với FIFA. Với đầu tư thấp và nhân sự và cơ sở hạ tầng sẵn sàng (do nước sở tại tạo ra), FIFA kiếm doanh thu hơn 5 tỷ USD.
Thời gian gần đây, ở Mỹ, giá trị của World Cup cũng tăng lên theo thời gian. Tháng trước, Fox Sport dành quyền chiếu bản tiếng Anh cho kỳ 2018 ở Nga và 2022 ở Qatar. Trước đó, Fox Sport chỉ cần 100 triệu USD cho 2 kỳ World Cup 2010 và 2014. Con số chính thức chưa được thông báo, nhưng theo John Ourand của tạp chí Sport Business thì Fox đã trả khoảng 400 triệu đến 500 triệu USD. Đây cũng là con số hợp lý vì đài Univision mua bản quyền phát tiếng Tây Ban Nha với giá 425 triệu USD cho 2 kỳ World Cup.
Mới đây, FIFA đã quyết định tăng số đội dự World Cup lên thành 48 đội, tăng 16 đội so với phiên bản hiện tại. Đây là “nước cờ” mang nhiều tranh cãi của FIFA. Việc tăng số đội tham dự World Cup sẽ giúp FIFA thu về nguồn lợi lớn. Bởi lẽ, khi ấy, nguồn thu từ bản quyền truyền hình, quảng cáo, tài trợ… sẽ đương nhiên tăng cao.
Đáp trả những chỉ trích, Chủ tịch Gianni Infantino lcho rằng ông muốn hướng tới giải đấu toàn cầu và toàn diện hơn. Giờ đây, World Cup không còn là điều gì quá xa vời mà nó sẽ biến thành ngày hội thực sự, của tất cả mọi đội tuyển. Song, ai cũng thấy được, FIFA chỉ muốn vươn vòi bạch tuột để hút máu các nền bóng đá đang phát triển.