Phút 20 của trận đấu giữa Real Madrid và Juventus, trong khuôn khổ giải đấu giao hữu ICC, ống kính máy quay đã chộp được hình ảnh một cậu bé đang rất vui vẻ giơ tấm biển ‘Who need Ronaldo?’. Điều đó cho thấy niềm lạc quan của người Madrid, dù khi đó đội bóng của họ đang bị dẫn trước. Nhưng liệu điều này có tích cực như chính sự ‘hớn hở’ của cậu bé đó?
Năm 2009, khi Cristiano Ronaldo sải những bước chân đầu tiên trên thảm cỏ Santiago Bernabeu, anh được chào đón bởi hơn 80.000 người hâm mộ Los Blancos. Con số này thậm chí còn vượt qua kỷ lục trước đó thuộc về Diego Maradona, khi ông ra mắt SSC Napoli vào năm 1984 (khoảng 75.000 người).
9 năm chơi bóng trong màu áo trắng, cựu tiền đạo Manchester United đã biến luôn cả Champions League thành sân chơi riêng của người Madrid. Nhiều người có thể nói Alfredo Di Stefano hay Raul Gonzalez Blanco mới là những nhân vật vĩ đại nhất lịch sử đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha, nhưng Ronaldo mới là người ‘nên’ đứng vào vị trí đó.
Bóng đá hiện đại không còn mang phong cách ‘ngây thơ’ như xưa, và cũng xuất hiện hàng loạt những đối thủ cực kỳ mạnh mẽ, đặc biệt là Barcelona – đại kình địch muôn kiếp của Real Madrid. Và chỉ có Ronaldo đã là người ‘bỏ túi’ bất cứ đội bóng nào tại đấu trường Champions League, nơi được coi như thước đo chuẩn mực nhất về đẳng cấp.
Trên thực tế, kỷ nguyên ‘Realdo’ vẫn chứng kiến những màn hạ sát của Lionel Messi ngay tại thánh địa Bernabeu, nhưng đó dẫu sao cũng chỉ tại sân chơi La Liga (phần nhiều), còn tại cấp độ châu lục, Los Blancos đơn giản là một nhà vô địch tuyệt đối với 13 chiếc cup tai voi ở phòng truyền thống, và Ronaldo đã nhấn chìm cả lịch sử Châu Âu của Barca với 4 lần lên ngôi trong màu áo trắng, còn gì vĩ đại hơn điều đó ở Tây Ban Nha?
Thành thật mà nói, Barca mới chỉ trở thành ‘gã khổng lồ’ thực thụ kể từ năm 2006 cho đến nay, thời điểm Ronaldinho cùng các đồng đội chinh phục giải đấu danh giá nhất lục địa già (cấp câu lạc bộ) sau khi đánh bại Arsenal tại đất nước hình lục lăng.
Ngay sau đó, họ đã giới thiệu đến NHM bóng đá một nhân vật mà mãi mãi sẽ là nỗi ám ảnh của Real Madrid (Messi). Thất bại 2-6 ngay trên sân nhà ở mùa giải 2008-09, đã khiến ban lãnh đạo đội bóng áo trắng tức tốc lên kế hoạch chiêu mộ bằng được Ronaldo, bởi họ tin rằng chỉ có anh mới khiến nhà vua không bị mất mặt vì những người ở xứ tự trị.
Ronaldo đến khi mới 24 tuổi, và ra đi lúc sự nghiệp đã ‘xế chiều’ theo ý nghĩ của ai đó. Nhưng thực tế không giống với phần còn lại, bởi tất cả những gì được gọi là khoa học đều khẳng định đội trưởng đội tuyển Bồ Đào Nha là người sinh năm… 1998 chứ không phải 1985 như trong hồ sơ.
Vì trước giờ làm gì có ai đã 33 tuổi mà vẫn là ‘con ngáo ộp’ ở Champions League với hàng tá những bàn thắng kinh điển vào lưới những đội bóng vô địch một đất nước? Đó là khi chúng ta chỉ nói về khía cạnh chuyên môn, và gạt bỏ giá trị thương hiệu mà Ronaldo mang lại cho bất cứ nơi nào mình đặt chân đến.
Có thể, sự chia ly với Real Madrid là mong mỏi từ chính nhu cầu chinh phục chưa bao giờ tắt trong anh, nhưng ngày hôm nay, ai cũng có thể hiểu được bản chất câu chuyện không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ – 100 triệu bảng và bạn có thể rời đội bóng để đến đất nước hình chiếc ủng làm một ông hoàng đúng nghĩa.
Ngay cả một cậu bé, với đa số những trái tim ngây thơ nhưng cũng có thể tươi cười với dòng chữ đó thì liệu những Madridistas ‘trưởng thành’ sẽ không mang ý nghĩ đó trong đầu? Người ta thường nói, hết tình thì vẫn còn đó nghĩa nặng, nhưng Ronaldo thật sự là người bất hạnh ở Tây Ban Nha.
Vẫn biết Raul Gonzalez hay Iker Casillas đều từng phải ra đi mà không có nhiều sự động viên đến từ người hâm mộ. Nhưng bây giờ là thời đại của sự tiếp thu những nét văn hoá mới mẻ trong tư duy, tuy nhiên nó không được lan rộng tại thủ đô Tây Ban Nha. Ở đó, chúng ta vẫn chỉ đang nghĩ đến câu nói ‘phản Trịnh Công Sơn’ – ‘Ngày nay sỏi đá chẳng cần có nhau’!