La La Land, hay còn được biết ở Việt Nam với cái tên “Những kẻ mộng mơ” đã đoạt tới 6 giải thưởng trong lễ trao giải Oscar 2017. La La Land là một hiện tượng của phòng vé, với những con số mỹ miều trên bảng doanh thu, dù sức hấp dẫn thật sự của nó vẫn còn gây ra sự tranh cãi nảy lửa. Bộ phim này bị không ít nhà biên kịch nổi tiếng chỉ trích là nhạt nhẽo, vô cảm, vô hồn.
Ở một góc độ nào đó, bóng đá Anh cũng giống như La La Land. Premier League sẽ được gọi là một giải đấu hấp dẫn nếu chúng ta lấy dẫn chứng dựa trên doanh thu, tiền quảng cáo, nhà tài trợ, mức độ phủ sóng… Tuy nhiên, Premier League có thật sự hấp dẫn hay không, bóng đá Anh có mạnh như những con số kiểm toán hay không lại là câu chuyện khác.
Bóng đá Anh chính là La La Land của làng túc cầu: được chính những cha đẻ ca ngợi, tán tụng. Thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy tên của những Man United, Arsenal xuất hiện trong danh sách 10 đội bóng giá trị nhất hành tinh.
Rồi thi thoảng truyền thông Anh lại cho công bố những bảng xếp hạng chứng minh Dele Alli là một trong những cầu thủ trẻ tài năng nhất thế giới, Raheem Sterling là ngôi sao phát triển nhanh nhất năm. Khi báo nhà viết về gà nhà, dĩ nhiên họ sẽ chọn những con số có lợi. Ở góc độ nào đó, người hâm mộ Anh luôn bị ru vào giấc mộng đẹp hệt như khi những trái tim quá lãng mạn ngồi xem La La Land vậy.
Tuy nhiên, bằng chứng thực tế nhất là nhìn vào màn trình diễn của những tuyển thủ quốc gia Anh ở Champions League. Đúng, Liverpool đã lọt tới trận chung kết, nhưng chiến công ấy có bao nhiêu phần đóng góp của người Anh?
Thật đáng buồn khi đứng dưới những cái nhìn khách quan thì Jordan Henderson chính là cầu thủ đá tệ nhất của Liverpool trong hành trình The Kop tiến vào trận chung kết. Chiến công ấy được tạo nên bởi những cầu thủ nước ngoài như Salah, Firmino, Mane.
Sự “xâm lược” của những cầu thủ nước ngoài chính là yếu tố giúp Premier League hấp dẫn, chứ bản chất cầu thủ Anh vẫn ở trình độ vô cùng làng nhàng. Theo thống kê, 67,8% cầu thủ đăng ký tại Premier League mùa này là ngoại binh, biến Premier League thành giải đấu có nhiều ngoại binh nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu.
Hãy xem những ứng viên vô địch thật sự cho World Cup đang sử dụng bao nhiêu cầu thủ nước ngoài? Ở Bundesliga, lượng cầu thủ nước ngoài chiếm 51%, ở Ligue 1 là 48,3% và ở La Liga chỉ là 43,2%. Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, Đức vô địch năm 2014 và Pháp đang được đánh giá là ứng viên lớn cho ngai vàng World Cup 2018. Điểm chung giữa họ là luôn dành một phần không gian rất thoáng đãng để những cầu thủ nội địa tung hoành.
Trong khi đó người Anh nhập khẩu ồ ạt cầu thủ nước ngoài để biến Premier League thành một giải đấu lung linh, cạnh tranh tóe lửa nhưng lại giảm đi cơ hội phát triển của những cầu thủ nội. Trong các đại gia Premier League, Tottenham là đội bóng duy nhất đang dựa vào cầu thủ nội địa (Harry Kane, Dele Alli…) và thực tế đau đớn là Spurs gần như không có cửa trong cuộc đua tới ngai vàng Premier League.
Vì thực tế đó, trong tương lai gần, rồi thì Tottenham cũng sẽ bị cuốn vào nhu cầu mua cầu thủ nước ngoài để tăng chất lượng, tăng thêm tính cạnh tranh với những đối thủ còn lại. Và nếu đến sân chơi hiếm hoi dành cho cầu thủ nội cũng không còn, liệu đội tuyển Anh trong tương lai biết dựa vào đâu để xây dựng đội hình.
Đó là cái vòng luẩn quẩn của người Anh. Có khá nhiều cầu thủ Anh nhờ dựa hơi những ngôi sao nước ngoài mà bỗng dưng thi đấu xuất sắc hơn, nhưng khi lên tuyển thì lộ rõ những điểm yếu. Ví dụ Harry Kane liệu khi đá cho đội tuyển Anh có hay bằng đá cho Tottenham không, khi bên cạnh anh đã không còn nhạc trưởng Christian Eriksen? Oxlade-Chamberlain liệu có tỏa sáng như khi khoác áo Liverpool không khi bên cạnh anh không có sự trợ giúp của Salah – Firmino – Mane?
Vấn đề của người Anh ở chỗ này. Họ biến các cầu thủ của mình thành công nhân phục vụ những ngôi sao nước ngoài. Rồi khi lên tuyển, công nhân thì vẫn là công nhân mà thôi. Câu chuyện vô địch World Cup hay EURO của người Anh xem ra cũng chỉ giống như một kẻ mộng mơ đang đi trên dây.