Việc vùi điện thoại vào thùng gạo khi dính nước hóa ra không hiệu quả như bạn tưởng.
Mặc dù gạo nổi tiếng với khả năng hút ẩm, nhưng việc sử dụng gạo để “chữa cháy” cho điện thoại bị ngấm nước là một sai lầm. Dù có cẩn thận thế nào, đôi khi chúng ta vẫn làm ướt điện thoại do vô tình đánh rơi vào nước hoặc bị mưa ướt khi ra ngoài. Khi bị nước vào, điện thoại có thể gặp các vấn đề như loạn cảm ứng, loa rè, không nhận sim, hoặc thậm chí là sập nguồn.
Vì vậy, theo phản xạ tự nhiên, nhiều người thường nhanh chóng đặt điện thoại vào thùng gạo để hút ẩm, nhằm tránh những sự cố không mong muốn. Hành động này đã trở thành thói quen của nhiều người, nhưng thực tế đây là một cách làm hoàn toàn sai lầm và có thể gây hại cho thiết bị.
Tại sao không nên vùi điện thoại vào thùng gạo khi bị dính nước?
Mặc dù gạo có khả năng hút ẩm, nhưng sử dụng gạo để “cấp cứu” điện thoại bị dính nước là một sai lầm. Theo nghiên cứu từ các tổ chức uy tín như Đại học Colorado, khi vùi điện thoại vào thùng gạo, các hạt gạo và bụi từ chúng có thể xâm nhập vào các khe hở trên thiết bị, gây tắc nghẽn cổng sạc, loa, jack cắm tai nghe, và các linh kiện bên trong.
Việc loại bỏ các hạt gạo này không chỉ tốn nhiều thời gian và công sức mà đôi khi còn không thể loại bỏ hoàn toàn, dẫn đến hư hỏng thêm cho thiết bị. Hơn nữa, việc vùi điện thoại vào thùng gạo cũng không đảm bảo loại bỏ hoàn toàn hơi ẩm bên trong.
Nên làm gì khi điện thoại bị dính nước?
Khi điện thoại bị dính nước, điều đầu tiên bạn nên làm là tắt thiết bị ngay lập tức và rút sạc (nếu đang sạc), vì nếu điện thoại đang bật, dòng điện có thể tiếp xúc với nước, gây cháy mạch bên trong. Sau đó, hãy tháo rời ốp lưng, thẻ SIM, thẻ nhớ và lau khô chúng bằng khăn mềm hoặc giấy thấm. Lưu ý không chà xát mạnh để tránh đẩy nước sâu vào trong thiết bị.
Hãy hướng cổng sạc xuống dưới và gõ nhẹ để nước chảy ra. Đặt điện thoại ở nơi khô ráo, thoáng mát, và không sử dụng máy sấy tóc hay đặt dưới ánh nắng trực tiếp, vì điều này có thể làm hư hỏng điện thoại. Nếu có gói hút ẩm, bạn có thể đặt chúng gần điện thoại để hỗ trợ hút ẩm.
Trong trường hợp điện thoại bị ngâm nước lâu trong hồ bơi hoặc biển, hoặc sau khi thực hiện các bước trên mà điện thoại vẫn không hoạt động bình thường, hãy mang thiết bị đến thợ chuyên nghiệp để được vệ sinh và sửa chữa kịp thời. Ngoài ra, khi đi bơi, đi biển, hoặc đi dưới mưa, bạn nên dùng túi nhựa bọc điện thoại để tránh nước ngấm vào thiết bị.