Điều đó có nghĩa là đội nào không thành công ở trận lượt đi vẫn có cơ hội để sửa sai trong trận lượt về, điều mà chúng ta đã không có được khi thất bại trong trận chung kết SEA Games 9 năm trước.
Hồi ấy, đội tuyển Việt Nam đánh bại Malaysia 3-1 ở vòng bảng mà chúng ta đứng đầu, vượt qua Singapore một cách vô cùng thuyết phục với tỷ số đậm 4-1 và bước vào trận chung kết gặp lại Malaysia với niềm tin chiến thắng lớn lao.
Lúc đó, tất cả đều tin rằng chiếc huy chương vàng SEA Games sẽ nằm trong túi. Nhưng mọi chuyện đã diễn ra không suôn sẻ và ước mơ Việt Nam lần đầu tiên vô địch bóng đá nam ở Đại hội thể thao Đông Nam Á tan thành mây khói vì pha phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp lúc trận đấu trên sân Vientianne, Lào chỉ còn 5 phút.
Cơn ác mộng vẫn còn ám ảnh
Đó là một cơn ác mộng thực sự, bởi cũng giống như ở Tiger Cup 1998, khi được đánh giá cao hơn, thì chúng ta hứng chịu thất bại. Phải mất nhiều năm sau đó, sau nhiều thất bại khác nữa, chúng ta mới hiểu ra điều gì xảy ra. Những cơn ác mộng của 20 năm trước và 9 năm trước chắc chắn đến giờ vẫn còn ám ảnh nhiều thế hệ cầu thủ và người hâm mộ.
Ở AFF Cup này, khi bước vào trận chung kết, một lần nữa đội tuyển Việt Nam lại được đánh giá cao hơn đối thủ, giống như hồi gặp Singapore năm 1998 và Malaysia năm 2009. Điều gì sẽ xảy ra, và hai trận đấu liệu có đủ để sửa chữa sai lầm nếu có?
Chỉ có HLV Park Hang-seo và các học trò của mình mới có thể trả lời được câu hỏi ấy sau một năm thăng tiến không ngừng trên sân chơi bóng đá châu lục.
Những gì đã xảy ở Thường Châu (Trung Quốc) tại giải U23 châu Á và ở Indonesia tại môn bóng đá nam ASIAD 2018 đã cho thấy họ thiếu một số yếu tố để có thể chạm tới vinh quang.
Ở trận chung kết giải U23 châu Á, không phải các cầu thủ Việt Nam thiếu vài chục giây để đưa trận đấu tới loạt luân lưu phân định thắng thua. Thực tế, cái họ thiếu chính là sự tập trung cho đến những giây chót.
Ở trận bán kết của ASIAD với Hàn Quốc, các cầu thủ không chỉ thiếu điều đó mà còn cả độ lì lợm trước một đối thủ vượt tầm. Họ “cóng” trước một đội bóng mạnh hơn về nhiều mặt.
Thực tế cho thấy đó là hai thất bại trước các đối thủ trên cơ. Rất nhiều bài học đã được rút ra sau đó để có thể áp dụng vào một sân chơi vừa tầm hơn là AFF Cup, với những đối thủ chưa ngang tầm chúng ta. Nhưng để nâng cao chiếc cúp vô địch thì rõ ràng không chỉ là phép cộng của những bài học và rút kinh nghiệm.
Chín năm sau trận Việt Nam thua Malaysia ở SEA Games, đã là rất nhiều những thay đổi, cả ở bóng đá Việt Nam lẫn Malaysia, vốn có cùng những nỗi đau thất bại và cùng chết đi sống lại sau scandal dàn xếp tỷ số đã quét sạch nhiều thế hệ cầu thủ tài ba. Và khát khao vô địch của họ cũng lớn không kém gì chúng ta.
Trận vòng bảng chỉ có ý nghĩa tham khảo
Malaysia chưa lên đỉnh bóng đá Đông Nam Á ở cấp đội tuyển quốc gia kể từ 8 năm nay, còn chúng ta đã chờ 10 năm. Họ cũng đang sở hữu một thế hệ cầu thủ hội tụ đủ những tư chất và yếu tố để có thể trở thành nhà vua của bóng đá khu vực. Và họ vào trận chung kết này với một hành trình chông gai hơn nhiều chúng ta.
Malaysia thua Việt Nam 0-2 ở vòng bảng, nhưng đánh bại Thái Lan ở bán kết trong hai trận đấu mà họ không hề thua kém đối thủ. Hành trình ấy đã cho thấy họ đã từ một đội bóng rất khiếm khuyết ở vòng bảng dần lột xác thành một đội tuyển mạnh về tinh thần, sự kết dính đồng đội và cả về bản lĩnh.
Đối mặt với một đội bóng như thế là chuyện không hề đơn giản, và việc đánh bại họ 2-0 ở lượt đi chỉ có ý nghĩa tham khảo. Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là trận đấu khó khăn nhất của Việt Nam kể từ đầu giải.
Và lịch sử đối đầu gần nhất với Malaysia dạy rằng ngay cả một kết quả tốt trên sân Bukit Jalil ở lượt đi cũng không phải là đảm bảo tốt cho việc giành chiến thắng cuối cùng.
Những sai lầm sơ đẳng trong phòng ngự như ở hai trận bán kết với Philippines có thể sẽ trừng phạt chúng ta, nếu để những điều đó lặp lại ở chung kết này. Chắc chắn HLV Park Hang-seo không hài lòng với cách mà đội tuyển đã để thủng lưới trong hai trận bán kết.
Chắn chắc sự mất tập trung trong phòng ngự và cách phòng thủ bóng chết không tốt sẽ là những điều nguy hiểm, đe dọa cơ hội vô địch của Việt Nam.
Nhưng điều nguy hiểm nhất trước trận đấu này là chúng ta đánh giá mình quá cao và hạ thấp sức mạnh của đội bạn, cho rằng Malaysia loại được Thái Lan chỉ nhờ may mắn, khi không thủng lưới vì quả penalty ở những giây cuối cùng.
Chín năm trước, tại chung kết SEA Games, và 4 năm trước, ở bán kết AFF Cup, chúng ta không thua Malaysia vì kém hơn về chiến thuật và kỹ thuật, mà thua về tinh thần, bản lĩnh, thua ở những tình huống rất khó hiểu và lại thừa sự tự tin đến mức chủ quan.
Tin lắm và mong lắm, lần này sẽ khác…