ASIAD đã bước sang ngày thi đấu chính thức thứ 3. Với riêng môn bóng đá nam thì đã khởi tranh cách đây hơn 1 tuần và các trận đấu vòng bảng đã khép lại, chuẩn bị bước vào vòng 1/8.
Suốt thời gian qua, người hâm mộ Việt Nam đã phải thấp thỏm “chờ một đường link” sát giờ bóng lăn mới có thể sát cánh cùng Olympic Việt Nam.
Nhưng thông tin mới nhất gần như chắc chắn VOV đã có bản quyền ASIAD trong ngày 21/08.
Nghĩa là từ vòng 1/8 môn bóng đá nam mà cụ thể là cuộc đọ sức giữa Olympic Việt Nam – Olympic Bahrain (19h30 ngày 23/08), các cổ động viên đã có thể đàng hoàng theo dõi trên sóng truyền hình.
Bên cạnh đó còn có các môn thể thao hấp dẫn khác như bóng chuyền, điền kinh (Bùi Thị Thu Thảo, Lê Tú Chinh), bơi (Ánh Viên), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh)… thi đấu.
Trao đổi với PV xung quanh thông tin VOV quyết định mua bản quyền ASIAD với giá được cho là khoảng 1,2 triệu USD (khoảng 25 tỷ đồng), BLV Quang Tùng nói:
“Không chỉ khi ASIAD đã diễn ra mà kể cả ngay từ đầu, trọn vẹn đầy đủ, với cái giá nói trên thì cũng là không tưởng so với những gì anh em đã có kinh nghiệm đàm phán bản quyền đã trải qua từ trước đến nay.
Câu chuyện bản quyền truyền hình luôn chứa đựng những rủi ro và việc VOV vào cuộc lúc này là rất rủi ro nếu xét về tính thương mại. Đặc biệt khi môn bóng đá nam với tâm điểm chú ý là Olympic Việt Nam đã bước vào vòng knock-out.
Tôi nghĩ có thể VOV đã nhận được sự giúp đỡ của một doanh nghiệp nào đó hay nhận được sự hỗ trợ về cơ chế từ các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc đơn giản họ chấp nhận mọi rủi ro vì người hâm mộ.”
Theo BLV Quang Tùng, nói gì thì nói, việc làm của VOV rất đáng trân trọng, thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội, đặt mục đích phục vụ lên hàng đầu:
“Đây là thông tin có lợi cho người hâm mộ. Không chỉ riêng tôi mà chắc chắn đông đảo người dân Việt Nam cảm thấy rất vui mừng.
Trước đây, VTC, HTV cũng đã từng có bản quyền các Đại hội thể thao cùng VTV. Nhưng sau một thời gian, chỉ còn lại VTV.
Lúc này, có thêm VOV vào cuộc, cùng phục vụ người hâm mộ là một tín hiệu tích cực.”
Phân tích sâu thêm về vấn đề bản quyền, BLV Quang Tùng chia sẻ:
“Câu chuyện bản quyền luôn có nhiều vấn đề, chứa đựng rủi ro. Sau những sự việc như này mà cách đây chưa lâu là bản quyền World Cup, hy vọng các đơn vị có nhu cầu và có trách nhiệm cần đưa ra những bài tính dài hơi hơn.
Giá bản quyền đương nhiên vẫn sẽ lên và chúng ta vẫn sẽ bị “ép”. Nhưng làm sao để nâng cái phần chủ động của ta lên và nhận được cái giá tốt nhất, chứng minh đã nỗ lực hết sức để phục vụ người dân.
Điều quan trọng chúng ta phải chủ động về thực lực, có đủ điều kiện để đương đầu với mọi tình huống.
Điều này cần sự tổng hợp của các nguồn lực từ nhiều phía, có lượng thuê bao cao, có nguồn thu về, có sự tham gia của các doanh nghiệp, công ty.”
Khi PV đặt vấn đề về việc ngoài bóng đá nam, ASIAD còn nhiều môn thể thao hấp dẫn khác: điền kinh, bắn súng, bơi, bóng chuyền, bóng bàn… và đó là lý do củng cố thêm niềm tin để VOV quyết định mua bản quyền? BLV Quang Tùng chốt lại:
“Chiến dịch của một Đại hội thể thao cần thiết lập 1 khung giờ dài và ít có trọng điểm.
Ví dụ với bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn có giờ chắc chắn và có thể lên lịch. Nhưng nhiều môn khác thì không có khung giờ phù hợp để tuyên truyền. Hơn nữa, khoảnh khắc của bơi, điền kinh, cử tạ… cũng rất ngắn và ai dám khẳng định có huy chương, đặc biệt HCV ở đó?
Nói cách khác, để có thể khai thác thương mại, chỉ có cách tập trung vào bóng đá, các chương trình đồng hành, bản tin, bình luận theo các khung giờ cố định mới ổn định được.”