Những đối tượng nào sẽ được tăng mức hưởng BHYT từ tháng 12, hãy cùng tìm hiểu.
Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Chế độ này được thực hiện dựa trên các nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ. Bên cạnh đó các nguyên tắc về mức đóng, mức hưởng, chi phí khám chữa bệnh cũng được quy định chặt chẽ.
Như vậy có thể hiểu, bảo hiểm y tế là một loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo đó, người mua bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị, phục hồi sức khỏe,… nếu không may xảy ra tai nạn, ốm đau, bệnh tật.
Ai được tăng mức hưởng BHYT từ tháng 12-2023?
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng vào nhóm được ngân sách nhà nước đóng; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1-11-2023).
Theo BHXH Việt Nam, việc Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.
Qua đó, góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT. Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung, nâng mức hưởng khám chữa bệnh BHYT cho một số đối tượng, gồm:
– Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc: Nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT;
– Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình: Nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT.
– Vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (mã TG): có mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Người dân có thể sử dụng các hình thức giấy tờ khác nhau khi đi khám chữa bệnh từ tháng 12/2023, bao gồm:
– Thẻ BHYT giấy.
– Thẻ CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT giấy.
– Ứng dụng VssID thay thẻ BHYT giấy.
– Ứng dụng VNeID thay thẻ BHYT giấy.
Để dùng ứng dụng định danh điện tử VNeID đi khám bệnh thay cho thẻ BHYT bằng giấy, trước tiên phải tích hợp thông tin thẻ BHYT vào ứng dụng VNeID.
Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng này, công dân cần phải đăng ký đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại cơ quan Công an nơi thực hiện thủ tục cấp Căn cước công dân.
Sau khi đăng ký được tài khoản định danh mức 2, để tích hợp thẻ BHYT cần thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID.
Bước 2: Chọn “Ví giấy tờ”. Rồi bấm chọn “Tích hợp thông tin”.
Bước 3: Chọn “Tạo mới yêu cầu”.
Bước 4: Bấm vào dấu mũi tên và chọn “Thẻ BHYT”.
Bước 5. Nhập số thẻ BHYT và nhấn chọn “Gửi yêu cầu”.
Sau đó, kiểm tra lại yêu cầu bằng cách vào “Ví giấy tờ”, bấm chọn “Thẻ BHYT”.
Sau khi bước tích hợp được thực hiện thành công, công dân có thể sử dụng thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng định danh điện tử VNeID để thay cho thẻ BHYT giấy để làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.