Adisak Kraison (Thái Lan)
Với một tiền đạo, thước đo chuẩn mực nhất có lẽ là bàn thắng. Nói về điều này, chẳng ai sánh được với Kraison, người đã ghi đến 8 bàn thắng tại giải. Nhưng cuối cùng anh vẫn phải ngậm ngùi nhìn Talaha (Malaysia) và Nguyễn Anh Đức (Việt Nam) góp mặt.
Tuy nhiên, cặp đôi Talah và Anh Đức cũng xứng đáng có tên ở ĐHTB vì họ ũng là những nhân tố chủ chốt trên hàng tiền đạo của hai đội tuyển chơi tại trận chung kết. Dù vậy, việc thiếu vắng vua phá lưới cũng là điều đáng tiếc đối với một bản danh sách đội hình xuất sắc nhất.
Phan Văn Đức (Việt Nam)
Không toả sáng rực rỡ như Quang Hải, nhưng “vé vớt” của tuyển U23 Việt Nam là người đánh bật Công Phượng để chiếm một vị trí chính thức trên hàng công ĐTQG. Đó là điều mà ít người dự đoán trước nếu nhìn vào phong độ thực tế của chính Văn Đức và Công Phượng.
Tuy nhiên, cầu thủ “giản dị” bậc nhất của ĐT Việt Nam chơi thăng hoa theo thời gian, anh liên tục mang đến những màn trình diễn ấn tượng bên canh nhạc trưởng số 19, thậm chí còn làm tốt vai trò của một hậu vệ phải. Chừng đó liệu đã đủ tạo ra một sự tiếc nuối cho ĐHTB?
Trần Đình Trọng (Việt Nam)
Đây chắc chắn là sự thiếu sót rất lớn bởi cầu thủ số 21 của ĐT Việt Nam chơi ổn định xuyên suốt giải đấu kéo dài và liên tục, trong khi anh đã vẫn phải chịu đựng vết đau ở bàn chân. Vậy nhưng ngay cả sao nhập tịch bên phía Malaysia là Sumareh cũng phải “ngán” Đình Trọng ở những pha đối đầu.
Hemviboon, một trong số ít những trung vệ đã ghi bàn tại giải, nhưng rõ ràng, thước đo để đánh giá một trung vệ nên là những yếu tố phòng ngự. Về điều này, ngay cả Quế Ngọc Hải cũng chưa hẳn đã nổi trội hơn Đình Trọng. Thậm chí một vài NHM Thái Lan còn cho rằng họ ấn tượng với anh hơn cả Quang Hải vì thật sự không dễ để một người cao 1m74 đối chọi với những tiền đạo đầy thể lực của Philippines hay Malaysia.