Đức là ứng ứng cử viên số một cho chức vô địch World Cup kì này khi họ có một đội hình chất lượng và lối chơi vô cùng khoa học nhưng con đường bảo vệ chức vô địch của thầy trò HLV Joachim Low sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi những yếu tố sau:
1. Có quá nhiều đội bóng mạnh chờ đợi
Có lẽ chưa có năm nào mà một kỳ World Cup có nhiều đội có khả năng cạnh tranh chức vô địch đến như vậy.
Để có thể đi được tới chức vô địch, Đức phải ‘bước qua xác’ những đội bóng cực kì cứng cựa như Serbia (hoặc Thụy Sĩ) ở vòng 1/8, Bỉ (hoặc Anh, Ba Lan) ở tứ kết, Tây Ban Nha (hoặc Argentina, Bồ Đào Nha) ở bán kết và nếu họ có thể vượt qua những đội thủ này thì nhiều khả năng Brazil hoặc Pháp sẽ chờ đợi họ ở trận đấu cuối cùng. Những đội bóng này được đánh giá cao hơn rất nhiều so với những bại binh của họ ở World Cup 4 năm trước.
2. Sự vắng mặt của các ngôi sao
Chấn thương và treo giò là những điều tất cả các đội bóng đều sợ chứ không chỉ riêng một mình Đức. Dù họ sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng, có thể thay thế nhau nhưng việc thiếu vắng một cầu thủ trụ cột sẽ ảnh rất nhiều tới sự vận hành lối chơi của Joachim Low.
Trong trận bán kết gặp Pháp tại EURO 2016, Đức đã thiếu vắng 3 cầu thủ quan trọng Mats Hummels, Sami Khedira và Mario Gomez. Đội chủ nhà đã lợi dụng điều này (và cũng có một chút may mắn) để đánh bại đối thủ. Trước khi World Cup diễn ra, nếu Manuel Neuer và Jerome Boateng không kịp trở lại thi đấu thì đây sẽ là tổn thất không nhỏ cho họ. Ngoài ra những chấn thương trước và trong thời điểm diễn ra World Cup có thể ập đến bất cứ lúc nào cho đội bóng này.
3. Lời nguyền nhà vô địch
Vô địch một giải đấu đã khó, bảo vệ nó còn khó hơn. Trong suốt hơn 50 năm qua chưa đội bóng nào có thể vô địch World Cup 2 lần liên tiếp (Italy và Brazil vô địch khi giải đấu còn khá sơ khai).
Ngoài yếu tố cầu thủ xuống phong độ sau 4 năm, lối chơi bị bắt bài… thì tham vọng của các cầu thủ ít nhiều cũng sẽ giảm xuống một khi họ đã bước lên đỉnh vinh quang.
Ngoài ra còn một yếu tố cũng đáng đề cập đến, đó là Đức thường mắc cái dớp ở trận thứ hai.
Trong các giải đấu quốc tế gần đây, có một điều mà người ta rất dễ nhận thấy ở “Cỗ xe tăng”: Đức thường sảy chân ở trận thứ hai vòng bảng cho dù đối thủ của họ hoàn toàn bị đánh giá thấp hơn. Những trận mà thầy trò HLV Joachim Low bị mất điểm có thể kể ra: Thua Croatia 1-2 (EURO 2008), thua Serbia 0-1 (World Cup 2010), hòa Ghana 2-2 (World Cup 2014), hòa Ba Lan (EURO 2016). Như vậy Đức không thể kiếm trọn vẹn 3 điểm tới 4/5 trận cho dù họ mạnh hơn đối thủ rất nhiều. Có thể coi đây là cái dớp không thuộc về yếu tố chuyên môn. Thụy Điển – đối thủ của Đức loạt trận thứ hai bảng F có thể tận dụng điểm này để đánh bại nhà đương kim vô địch thế giới.