Những ngày cuối tháng 10, một số hãng xe rục rịch tăng giá trở lại chuẩn bị cho dịp mua sắm sôi động cuối năm.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ sắp hết hiệu lực (thời hạn đến 31/12/2020). Thời điểm này có thể do khách hàng đổ xô đi mua ô tô lắp ráp trong nước để “chạy” ưu đãi nên các đại lý cũng tranh thủ tăng giá một số mẫu xe.
Theo khảo sát, trên thị trường xe hiện nay, một số mẫu xe đã bắt đầu tăng giá bán khoảng 10 – 20 triệu đồng. Trong đó, phải kể đến 3 dòng xe của Mazda bao gồm Mazda CX-5, Mazda CX-8 và All-New Mazda3 Sedan.
Cụ thể, mỗi phiên bản sẽ tăng dao động 10 – 20 triệu đồng so với tháng 9. Riêng mẫu Mazda CX-5 phiên bản cao cấp nhất 2.5L Signature Premium, tăng mạnh 100 triệu đồng, đưa giá xe lên 999 triệu đồng.
Bên cạnh đó, một số mẫu xe của Hyundai cũng tăng giá 11 – 21 triệu đồng. Hyundai SantaFe tăng 21 triệu đồng cho tất cả các phiên bản xe; Hyundai Kona và Hyundai Elantra tăng 11 triệu đồng. Hyundai Tucson cũng có mức tăng là 21 triệu đồng, riêng bản xăng tiêu chuẩn tăng 20 triệu đồng.
Đối với thương hiệu Toyota không tăng giá nhưng theo nhân viên bán hàng, hầu hết các mẫu xe tại đại lý nếu như tháng trước nhận khuyến mãi hấp dẫn thì đến nay đều không có chương trình ưu đãi hoặc giảm giá.
Ngoài những mẫu xe rục rịch tăng giá nói trên thì ở chiều ngược lại hiện nay nhiều hãng xe vẫn tiếp tục giảm giá bán để chạy đua doanh số cũng như để xả hàng dọn kho và đón dòng xe mới. Trong đó có thể kể đến những mẫu xe nổi bật như Honda HR-V, Nissan X-Trail, Ford EcoSport, Everest, Subaru Forester, BMW X5, X7,… được các đại lý giảm giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo giới chuyên gia đánh giá, thị trường ô tô vẫn khó đoán định. Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy chỉ số tồn kho ngành ô tô đang tăng rất cao, đạt 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, trong thời gian tới các hãng xe buộc phải giảm giá bán nhằm kích cầu, tăng sản lượng bán ra để nhanh chóng giải quyết số lượng hàng tồn kho.
Theo Vietnamnet