Phim tài liệu Netflix về nghệ thuật đương đại đạt 100% trên Rotten Tomattoes. Một bộ phim về Cai Guo-Qiang (Thái Quốc Cường), nhưng không kể một cách tuyến tính nhàm chán như “nghệ sĩ A là… , sinh năm… , giải thưởng…”

“Sky Ladder” (Thang Trời) – một bộ phim tài liệu của Kevin Macdonald, kể về cuộc đời và tác phẩm của Cai Guo-Qiang (蔡国强 – Thái Quốc Cường), nghệ sỹ người Trung Quốc nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật có sự trợ giúp của thuốc súng. Bộ phim được Netflix phát hành vào ngày 14 tháng 10 năm 2016.

Bộ phim đạt điểm tuyệt đối như vậy vì đạo diễn người Scotland, Kevin Macdonald, nổi tiếng với bộ phim được đánh giá cao, “The Mauritanian” (2021), không kể về nghệ sĩ Cai Guo-Qiang một cách tuyến tính nhàm chán như cách viết “nghệ sĩ A là…, sinh năm…, giải thưởng… ” của các bạn trẻ mê tranh nghệ thuật, ham học hỏi wikipedia ngày nay.

Phim tài liệu về nghệ sĩ, nghệ thuật đương đại khó ở chỗ người đạo diễn phải biết cách làm việc với các yếu tố trừu tượng của các tác phẩm và quá trình hình thành nên tác phẩm.

Kevin Macdonald như nhập vai một giám tuyển kể lại hành trình hoàn thành tác phẩm để đời của Cai Guo-Qiang, “Sky Ladder” (Thang Trời), được trình diễn vào năm 2015.

Tác phẩm như chính cái tên “Thang Trời”, được cấu tạo bằng các dây pháo hoa nối với nhau và sẽ được kích nổ khi dựng trên thẳng đứng. Với Cai Guo-Qiang, bên cạnh việc sáng tạo bằng chất liệu thuốc súng – niềm tự hào về sáng chế của người Trung Hoa trước thế giới, tác phẩm còn mang sứ mệnh kết nối đất trời với vũ trụ như người Kitô giáo muốn liên lạc với Chúa trời.

“Sky Ladder”, tại bến cảng đảo Huiyu, Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ngày 15 tháng 6 năm 2015, lúc 4:49 sáng, khoảng 2 phút 30 giây. Ảnh của Lin Yi & Wen-You Cai, Cai Studio cung cấp. Nguồn: thisiscolossal.com

Còn với Kevin, người xem sẽ dễ dàng nhận ra ông đặt tác phẩm như một nhân vật chính thứ hai bên cạnh Cai Guo-Qiang. Ý tưởng là vậy, nhưng con đường để hoàn thành tác phẩm “Thang Trời” gặp nhiều chông gai từ khi ông còn trẻ, cho đến thời điểm trình diễn thành công vào năm 2015, sau 3 lần bị huỷ vì nhiều lý do khác nhau.

Bộ phim vẫn bắt đầu bằng việc đi sơ lược qua các bộ tác phẩm của nghệ sĩ Cai Guo-Qiang, bao gồm từ các phác thảo, tranh, sắp đặt và trình diễn pháo hoa, rồi đi sâu vào quá trình hình thành tác phẩm “Thang Trời” để đời của ông. Qua các đoạn trao đổi với các chuyên gia và các trợ lý, người ta dễ dàng nhận thấy chân dung Cai Guo-Qiang, một nghệ sĩ toàn diện với khả năng nghiên cứu và sáng tạo vô cùng, có chiều sâu táo bạo, cũng như trong việc nâng tầm những chất liệu địa phương Trung Hoa để đại diện bản sắc của mình.

Cai Guo-Qiang, “Head On” (2006), 99 bản sao với kích thước thật của con sói và một bức tường bằng kính, khung cảnh sắp đặt, tại Bảo tàng Guggenheim Bilbao, năm 2009. Ảnh: Erika Barahona-Ede. Nguồn: publicdelivery.org

Trong phim, Cai Guo-Qiang còn thạo cả tiếng Nhật do từng có thời gian nghiên cứu và chịu nhiều ảnh hưởng nghệ thuật của Nhật Bản. Chính vì thế trong thực hành của ông luôn đề cao nền tảng, phác thảo, đòi hỏi sự chỉn chu về mặt kỹ thuật và cuối cùng là pha một chút điên rồ của nghệ sĩ.

Những tác phẩm pháo hoa mang tính thương hiệu của nghệ sĩ Cai Guo-Qiang hướng đến số đông mang tính trình diễn, thẩm mỹ, nhưng lại ít hướng đến ý niệm hay thách thức con người như Marina Abramovich, Ai Wei Wei,… Các màn trình diễn pháo hoa của ông – giống như ngôi sao chổi diễn ra trong một thời khắc hướng đến đại chúng và cả cho quốc gia, vẫn hội đủ các yếu tố đương đại nhờ vào nền tảng thực hành vững chắc. Có thể nói, nếu Cai Guo-Qiang mà là người Việt, ông chắc cũng có thể nâng tầm cho múa rối nước Việt lên tầm nghệ thuật đương đại.

Hình ảnh quá trình chuẩn bị cho trình diễn “Thang Trời”, 2015. Nguồn: thisiscolossal.com

Hình ảnh quá trình chuẩn bị cho trình diễn “Thang Trời”, 2015. Nguồn: thisiscolossal.com

Ngoài ra, phim còn đi vào thách thức liên quan đến chính trị trên đôi vai của một nghệ sĩ đương đại muốn tự do thể hiện như Cai Guo-Qiang. Ông biết cách linh hoạt ứng biến để có thể cùng làm việc với nhà nước, để còn làm bàn đạp xa hơn thay vì chọn cách đối kháng, đảm bảo chất lượng và ít ảnh hưởng đến môi trường cho Olympic 2008. Tầm vóc của người nghệ sĩ đương đại còn nằm ở chỗ người đó phải chịu áp lực bởi những vấn đề của quy mô của tác phẩm: số tiền bỏ ra, địa điểm, giấy phép,… Quy mô, tầm nhìn và bản sắc đó là những gì nghệ sĩ Cai Guo-Qiang muốn hướng đến.

Chương I – Elegy của “Elegy: Explosion Event for the Opening of Cai Guo-Qiang: The Ninth Wave” (tạm dịch: “Sự thanh cao: Sự kiện bùng nổ cho sự mở đầu của Cai Guo-Qiang: Làn sóng thứ 9”), diễn ra vào ngày 8 tháng 8, lúc 5 giờ chiều, trên sông Hoàng Phố (Huangpu) bên bảo tàng. Ảnh của Zhang Feiyu, Cai Studio cung cấp. Nguồn: caiguoqiang.wordpress.com/2014

Hành trình đến “Thang Trời” của Cai Guo-Qiang còn đầy tính nhân sinh. Dù cho là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng vẫn như bao người thường, ông vẫn có gia đình và những mối quan hệ xung quanh, như việc ông chia sẻ và giúp đỡ những người nghệ sĩ khó khăn hơn, thể hiện tấm lòng người làm nghề. Còn với đấng sinh thành, bố mẹ qua đời, còn mỗi người bà chăm ông từ bé, cái kết với “Thang Trời” là dành cho bà mình.

Thành công của Cai Guo-Qiang cũng nhờ vào thất bại với dự án đầu tiên của ông. Ông biến nỗi ám ảnh thành động lực cho chính mình. Phần cuối phim đầy xúc động khi “Thang Trời” được kéo lên nổ thành công tại Tuyền Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) cùng với sự giúp đỡ của những người dân chài nơi đây, mọi thứ như vỡ oà, hoà vào tiếng nổ, dù trước đó dự án đã phải dừng lại vì thời tiết. Khung cảnh đầy xúc động khi nghệ sĩ Cai Guo-Qiang ôm chầm lấy người vợ và đầy nước mắt. Dù 3 lần 7 lượt chọn những địa điểm xa xôi, danh giá nhưng định mệnh chỉ cho phép khi quay về nơi nguồn cội của mình. Khi đó, Cai Guo-Qiang mới được sự tiếp sức của trời đất và con người để có thể bắt chiếc Thang lên hỏi ông Trời.

Vượt trên cả yếu tố kỹ, mỹ thuật, tài chính và chính trị, “Thang Trời” của nghệ sĩ Cai Guo-Qiang không chỉ kết nối trời đất mà còn kết nối những tâm hồn của những con người làng chài nghèo, và là bản sắc của cả một dân tộc. Nhưng có lẽ, sâu thẳm nhất chính là sự kết nối của một nghệ sĩ như Cai Guo-Qiang đến người thân xung quanh và ước mơ đến những điều tốt đẹp hơn về sau này.

Tam Tam/Theo Luxuo