“Những khoảnh khắc thường nhật, con đưa Mẹ ra vườn dạo chơi, ngồi kể chuyện xưa, những buổi cơm bên nhau, giây phút cùng nhau hát những bài nhạc tiền chiến hay nhạc Pháp Mẹ ưa thích”… sẽ mãi là những kỉ niệm ấm áp trong tim Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi.
“Mẹ đã vĩnh viễn rời xa chúng con. Tưởng nhớ Mẹ bằng bài viết xưa cũ, với lời cầu mong rằng nhắm mắt chính là thời gian “gặp” ông bà, là “đoàn tụ”. Là TRỞ VỀ – Là HÒA VÀO NGUỒN CỘI.” – Đây là những dòng tâm sự đầy tình cảm do chính người con trai – Nhà nghiên cứu Nghệ thuật Ngô Kim Khôi gửi đến người mẹ đã mất.
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi là một cái tên uy tín đối với giới nghệ thuật trong và ngoài nước. Ông định cư tại Pháp từ 1985 với chuyên môn về tạo mẫu thời trang. Ông từng làm việc cho các thương hiệu Christian Dior, Hermès, Givenchy, Scherrer, Balenciaga. Được thiết kế cho nhiều ngôi sao thế giới như Catherine Deneuve, Charlotte Gainsbourg, Nicole Kidman, nữ hoàng nhạc pop Madonna hay Hoàng hậu Iran Soraya… là ước mơ của nhiều nhà thiết kế, nhưng ông lại quan tâm nhiều hơn tới hội họa Đông Dương. Những năm sau này, ông gần như dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu Mỹ thuật – một lĩnh vực mà ông mê đắm từ bé. Ông được kế thừa đam mê từ truyền thống yêu hội họa của mẹ và ông ngoại cũng như có nhiều cơ hội tiếp cận khá nhiều nguồn tài liệu về mỹ thuật từ các bảo tàng, gia đình và nhiều người quen….
Mẹ của Ngô Kim Khôi – Bà Ngọc Trâm là ái nữ của Họa sư Nam Sơn – Nguyễn Văn Thọ (1890 – 1973). Ông là người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, một ngôi trường được biết đến chính là nơi bồi dưỡng tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ bản địa; là cái nôi đào tạo ra những bậc thầy về nghệ thuật, hội họa và kiến trúc giúp ích cho sự phát triển nghệ thuật của các nước Đông Dương. Hiện nay, trên thị trường tranh Việt, tranh thời Đông Dương vẫn là điểm mốc quan trọng và giá trị nghệ thuật không thể phủ nhận.
Có lẽ do thừa hưởng năng khiếu từ Họa sư Nam Sơn, bà rất yêu thích các bộ môn nghệ thuật, nhất là văn chương. Tiếc thay con đường văn chương của bà không thuận lợi, do phải dành nhiều thời gian đấu tranh với cuộc sống, nuôi dạy đàn con. Có lẽ như người xưa thường nói, “hồng nhan đa truân”. Sang Pháp du học với chồng, tình duyên lận đận, sau đó mẹ của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi trở về sống tại miền Nam trong đơn lẻ và nghèo khó, một mình cưu mang bốn người con.
Ngô Kim Khôi rất thương và tự hào về mẹ. Ông vừa viết một bài tâm thư rất dài “Mẹ Tôi” gửi đến người mẹ yêu quý đã đi về chốn an nghỉ vĩnh hằng.
“Mẹ tôi lớn lên trong một gia đình văn hóa với nếp sống ảnh hưởng những nét đẹp thanh lịch của hai nền văn minh Âu-Á. Ông Ngoại tôi là một họa sĩ danh tiếng tại Hà-nội. Mồ côi cha từ nhỏ, ông được bà Cố một mình tảo tần vượt khó nuôi dạy nên thành người.”
“Tuổi ấu thơ của Mẹ tôi trải qua trong nhung gấm, trướng phủ màn treo, lụa là đèn sách. Theo trí tưởng tượng của tôi thì Mẹ trong thời thơ ấu là một cô gái xông xáo và hiếu động, vì ngoài việc học, Mẹ hay thích giúp ông tôi trong những việc như đánh giấy nhám ô cửa hoen rỉ, lên đèn hương bàn thờ ngày hai lần, trồng cây, cắm hoa…, và không hề có “nét buồn như liễu vẻ gầy như mai” như cô Trâm của ông tôi. Từ thuở 6 tuổi khi bắt đầu biết đọc biết viết, mỗi tối đều có một chương trình đọc sách tại phòng bà Cố do Mẹ tôi đảm trách mà khán thính giả là mọi người trong nhà kể cả các vú em, đầu bếp, anh kéo xe, cùng mọi người giúp việc. Nào là các bài kinh Phật đến truyện Kiều, Cung Oán, Chinh phụ, Gia Huấn ca, Nhị Thập tứ hiếu, Hoàng Trừu… Thuở ấy Mẹ tôi chưa hiểu gì nhưng cứ đọc làu làu, có lẽ vì vậy mà những áng thơ tuyệt tác đó đã thấm nhuần vào cội rể tâm hồn, ăn sâu vào từng hơi thở. Mỗi tối thứ bảy và chủ nhật, cả nhà được dự một buổi nghe nhạc từ chiếc máy hát cổ xưa “La voix de son maître” với các loại đĩa hát nhựa chứ không phải đĩa laser như bây giờ. Chiếc máy hát ấy đã đưa Mẹ tôi viễn du đến những vùng trời huyền thoại với các symphonies, sonates của Beethoven, valses của Strauss, Sérénade của Schubert, Valse Favorite của Mozart, Rêverie của Schumann, Berceuse của Brahms, Le chant du départ (Mẹ tôi thường gọi là bài “Lên đường” của Pháp)… Ngoài ra còn các đĩa hát của Tino Rossi, Joséline Baker…, các bài dân ca Pháp, đến các đĩa Việt-nam như Tống Tửu Đơn Hùng Tín, Xử án Bàng Quí Phi, Lữ Bố hý Điêu Thuyền, Linh miêu hoán chúa, Tiễn chân anh Khóa…, và phải nghe thuộc lòng bộ Assimil l’Anglais.”…
Sự vĩ đại của mẹ không thể nào diễn tả hết bằng lời. Giờ ngồi nhớ mẹ, ông nhớ lại những tần tảo mẹ đã trải qua trong bùi ngùi. “Thuở ấy Mẹ tôi còn trẻ lắm. Cuộc đời trước mắt như một đại dương mênh mông đầy bất trắc mà Mẹ tôi là một con thuyền nhỏ bé lẻ loi dong buồm ra khơi, một mình chống chọi với muôn ngàn bão tố. Ôi “bể trần chìm nổi thuyền quyên”, không có ai để chia xẻ nỗi niềm “em ra đứng mũi cho anh chịu sào”. Hồi tưởng lại những gian nan vất vả đã trải qua trong cuộc đời vừa làm cha, vừa làm mẹ của Mẹ tôi, nhiều lúc tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng, càng thấu đáo sự hy sinh, lòng thương con vô bờ bến và tinh thần trách nhiệm là động cơ khiến Mẹ tôi có nhiều nghị lực vượt qua những khó khăn để nuôi dạy chúng tôi nên người.”…
“Là con gái của một nghệ sĩ, Mẹ tôi rất yêu thích các bộ môn nghệ thuật, nhất là văn chương. Rất có khiếu nên Mẹ tôi đã viết văn, làm thơ. Tiếc thay con đường văn chương của Mẹ tôi không thênh thang trong gió, do phải dành nhiều thì giờ đấu tranh với cuộc sống, nuôi dạy đàn con.”….
…“Là một người làm việc suốt cuộc đời, nay đã đến tuổi “cổ lai hy”, nhưng ngoài những giờ phút thanh thản bên sách vở, nghe nhạc và chăm sóc cây kiểng, Mẹ tôi vẫn dành thì giờ cho các hoạt động xã hội, giúp đỡ các gia đình nghèo khó… Người bị tình nghi CIA ngày trước bây giờ lại được báo chí “thành phố Hồ Chí-Minh” viết bài khen ngợi, gọi Mẹ tôi là “Bà Tiên của những trẻ em nghèo”….
Đối với Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi, dù có là Bà Tiên hay không, tên của mẹ – Ngọc Trâm -vẫn là cái tên đẹp nhất. Ông xin mượn lời ca của nhạc sĩ Phạm Thế-Mỹ, trong nhạc phẩm “Bông hồng cài áo”, để nói với Mẹ đôi lời :
… Rồi một ngày nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói với mẹ rằng:
-” Mẹ ơi! Mẹ ơi, mẹ có biết hay không?”
-” Biết gì?”
-” Biết là…, biết là… con thương mẹ không”.
Theo: Ngày tang Mẹ, 29.10.2021
Ngô Kim Khôi
———————————-******————————————
- Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi sinh năm 1959, là cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn – Nguyễn Văn Thọ (1890 – 1973), đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.
- Ông sinh ở Bình Dương, 13 tuổi lên Sài Gòn và sang định cư tại Pháp từ năm 1985.
- Từng thực hiện mẫu thiết kế cho các ngôi sao lừng danh thế giới như Charlotte Gainsbourg, Nicole Kidman, Catherine Deneuve, nữ hoàng nhạc pop Madonna…
- Ngô Kim Khôi đã cộng tác với tòa Thị Chính Paris (1998), bảo tàng Cernuschi Paris (2012- 2013), viện Hàn Lâm Hải Ngoại Pháp (2015) và các nhà đấu giá tại Paris (Aguttes, Art Valorem).
- Ông đã thực hiện các tác phẩm: Nam Sơn – Cuộc đời và Tác phẩm (Nam Son – sa Vie, son Oeuvre, 1999), Từ Hồng Hà đến Cửu Long, cái nhìn Việt Nam (Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam, 2012), Những nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam (Les premiers photographes au Vietnam, 2015)…