Cho đến tận bây giờ, khi đại dịch Covid-19 chưa phải đã được kiểm soát hoàn toàn, thậm chí có khả năng tái bùng phát ở nhiều nơi, giới chuyên môn vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc đến trận cầu vòng 1/8 Champions League giữa Atalanta và Valencia diễn ra vào ngày 19-2. Hơn 4 vạn khán giả, trong đó có khoảng 2.500 CĐV Tây Ban Nha, đã đổ về sân San Siro ở Milan (Ý) để theo dõi trận đấu mà hậu quả là một tháng sau, các chuyên gia thống nhất với nhau rằng đấy là nguồn phát tán dịch bệnh tại Ý, Tây Ban Nha và phần nào cả châu Âu.
Trung tuần tháng 3, thủ môn dự bị của Atalanta nhiễm virus SARS-CoV-2 còn 1/3 đội hình chính của Valencia mắc Covid-19. Vùng Bergamo có gần 7.000 người nhiễm bệnh, hơn 1.000 trường hợp tử vong và bị xem là “ổ dịch” lớn nhất ở Ý. Trong khi đó, vùng Valencia ở Tây Ban Nha cũng có hơn 2.600 người nhiễm bệnh.
Hội đồng Thành phố Liverpool đồng ý mở cuộc điều tra về trận cầu Liverpool – Atletico Madrid ở vòng 1/8 Champions League ngày 11-3, khi có những ý kiến cho rằng việc để trên 3.000 CĐV Madrid nhập cảnh nước Anh là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát ở xứ sở sương mù. Điều đáng nói là ở thời điểm đó, Tây Ban Nha đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các sân bóng vì dịch Covid-19 đang lây lan rất nhanh.
Khán giả chính là nguồn lây Covid-19, vì thế khi muốn cho bóng đá trở lại, các quốc gia châu Âu đều đưa ra biện pháp mạnh là cấm khán giả đến sân. Nhiều đội bóng Đức cho đặt những tấm bìa cứng có in khuôn mặt các CĐV lên khán đài để tạo sự sống động, giúp người hâm mộ có cảm giác “thật” khi ngồi nhà để xem trận đấu qua truyền hình. Người Tây Ban Nha còn tinh tế hơn, thuê các công ty chuyên nghiệp phát hình “ảo” trên khán đài, đồng thời nhờ nhà phát triển games FIFA tạo âm thanh trung thực như khi xem tại sân cỏ.
LĐBĐ Anh xem ra “nhân văn”, khoa học hơn, vừa đề nghị các CLB hoàn trả tiền vé cho những khán giả mua dài hạn vừa khuyến nghị “đóng cửa sân” đến hết năm 2020 để bảo đảm phòng dịch.
Mọi chuyện lẽ ra sẽ suôn sẻ nếu như giới chủ các CLB không vì khó khăn tài chính mà nôn nóng muốn làm khác đi. Từ nơi từng là “ổ dịch”, LĐBĐ Ý (FIGC) dự định cho phép một lượng hạn chế khán giả đến sân từ tháng 7 cho dù đến thời điểm này, bóng đá Ý vẫn chưa được phép thi đấu trở lại. Ngay cả Anh, quốc gia “soán” vị trí số 1 châu Âu về lượng người mắc Covid-19, cũng dự định sẽ mở cửa đón khán giả đến sân từ tháng 9, thời điểm mùa bóng mới 2020-2021 khởi tranh. Hẳn LĐBĐ nước này đã nghe chuyện “tháo khoán” của bóng đá Ý, hay từ việc Serbia đã cho khán giả đến xem các trận đấu, Ba Lan dự kiến bán 25% số vé mỗi trận tại từng sân…
Đừng quên Covid-19 vẫn đang lây lan mạnh ở Mỹ, bùng nổ ở Brazil và khu vực Nam Mỹ, còn ở Bắc Kinh xuất hiện một ổ dịch mới. Sự tắc trách với đại dịch luôn mang đến hiểm họa khó lường, dẫu biết khán giả chính là nguồn sống của bóng đá.
Với các chuyên gia phòng chống dịch Covid-19, khán giả ảo tốt hơn hẳn khán giả thật nhưng chỉ có khán giả thật mới đem tiền đến cho các ông chủ. Dù vậy, phải coi chừng SARS-CoV-2.