Có một sự thực mà hầu hết khán giả xem bóng đá Việt phải thừa nhận, sức hút của Hoàng Anh Gia Lai đang giảm sút một cách báo động.
[su_dropcap]M[/su_dropcap]ột fanpage của Thái Lan vừa tung một bức ảnh mang tính “troll”, bức ảnh so sánh giữa sân Pleiku năm 2015 và 2016. Mặc dù tác giả đã cố tình chọn những góc khán đài ít khán giả nhất, nhưng chúng ta đều thấy rõ, so với năm 2015 thì năm nay lượng khán giả ở Pleiku tuy không đến nỗi vắng tanh, nhưng cũng sụt đi trông thấy.
Vậy câu hỏi đặt ra là, lượng khán giả đông đảo những ngày đầu mùa 2015 là khán giả hâm mộ đội bóng Hoàng Anh Gia Lai hay chỉ là những “fan” của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, những người đã xuất ngoại thi đấu? Câu trả lời có lẽ khá dễ, họ đích thực là fan của các cầu thủ trẻ thi đấu với lối đá đẹp mắt. Điều này không có gì là xấu, một CLB muốn phát triển số lượng cổ động viên thì cần có những cầu thủ đá hay đá đẹp, thậm chí những yếu tố ngoài chuyên môn như… đẹp trai chẳng hạn, cũng rất cần thiết.
Nhưng vấn đề là, tại sao các cổ động viên lại giảm sự quan tâm đến HAGL khi các cầu thủ họ yêu thích ra đi? Chính là vì HAGL hiện tại không đủ sức níu kéo tình yêu của khán giả, bởi một lẽ, họ không giữ được sự lôi cuốn, lịch lãm khi thi đấu như trước kia.
Không nói đến chuyện bóng dài bóng ngắn, vì một đội bóng cần đa dạng lối chơi mới thành công, nhưng những đường chọc khe thông minh, những pha bấm bóng qua hàng phòng ngự, hay cầm bóng xộc thẳng vào trung tuyến đối phương dường như cũng theo gót Phượng, Anh, Trường ra đi. Những tình huống phản ứng trọng tài, chơi xấu đối thủ lại ngày càng nhiều hơn trước. Tình huống thẻ đỏ của Minh Vương trong trận đấu với XSKT Cần Thơ cần phải được xử lý nghiêm khắc nếu HAGL không muốn mất đi bản chất lối chơi “đẹp” của mình.
Cùng nhìn sang những CLB khác. Than Quảng Ninh luôn có một hội cổ động viên cực kỳ chất lượng, xứng đáng với từ “cổ động viên” khi đến sân và cổ động suốt 90 phút, chứ không phải tới ngồi khoanh tay trên khán đài và gật gù. Nhưng đội bóng này thi đấu trầy trật, lúc hay lúc dở, chứ cũng chưa bao giờ đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ đất Mỏ là thành ứng viên vô địch, vì sao họ vẫn có sự yêu mến?
Đơn giản là vì “Than” được xây dựng có “chất Quảng Ninh” rõ nét, với Huỳnh Tuấn Linh, Vũ Minh Tuấn,… những người con của đất Mỏ. Điều tương tự cũng diễn ra ở Sông Lam Nghệ An khi khán giả xứ Nghệ luôn đến sân rất đông để theo dõi con em mình thi đấu, mặc dù đội bóng đã từng có lúc thi đấu “đầy nghi vấn” đến mức người hâm mộ phải đặt câu vè “Hoan hô đội bóng tỉnh ta/ Đi làm kinh tế ở xa mới về.”
Một trường hợp khác là Hải Phòng, tuy cái “chất Hải Phòng” được xây dựng không phải là chất địa phương, mà là cái chất bản lĩnh, lì lợm, không sợ hãi của thành phố Hoa phượng đỏ, chính vì vậy mà Minh Châu, một cầu thủ không phải người Hải Phòng nhưng mỗi khi thi đấu đều có “lửa”, đang là biểu tượng của bóng đá nơi đây.
Vậy mới thấy, không phải cứ đá hay là có nhiều cổ động viên, vì chắc chắn một đội bóng không thể cứ đá hay mãi, cũng phải có lúc này lúc kia, Barcelona cũng có lúc thua tan tác, nhưng chưa ai nghĩ đến việc khán đài Camp Nou trống vắng cả. Quan trọng là CLB phải giữ cái “chất” của mình, và cái chất ở đây cũng không hẳn là chất địa phương.
Với một đội bóng như Hoàng Anh Gia Lai, cầu thủ do họ tự đào tạo nhưng có ít người sinh ra ở Gia Lai nên cũng không thể yêu cầu tính địa phương. CLB này muốn giữ khán giả ở lại với mình thì cần duy trì cái chất phóng khoáng, lịch lãm, không chơi xấu, “chơi bóng không toan tính” như những ngày đầu xuất hiện của lứa U19. Nếu thế trận đã bế tắc, mà còn có những hành vi không đẹp, thì đừng hỏi vì sao khán giả thưa dần trên khán đài sân vận động Pleiku.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
[box type=”shadow”]* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam[/box]
[related_posts_by_tax format=”list” taxonomies=”post_tag” posts_per_page=”10″]