Paul Scholes là cầu thủ không thích ồn ào và đôi khi có phần nhút nhát. Vì thế, trong cả sự nghiệp, anh tìm mọi cách để tránh xa những ánh mắt soi xét của truyền thông. Điều này làm anh bớt nổi tiếng hơn, ít xuất hiện hơn trên những mặt báo. Nhưng đó là bản chất làm nên con người của Scholes, một trong những cầu thủ đặc biệt nhất từng xuất hiện trong làng túc cầu thế giới.
Chàng hoàng tử chân chất
Premier League là giải đấu khắc nghiệt bậc nhất trên thế giới. Phải nhanh, phải khỏe gần như là tiêu chí bắt buộc. Nhưng Scholes thì sao? Anh chỉ cao 1m70 với một thể trạng gày gò. Căn bệnh hen suyễn kinh niên cũng khiến chàng cầu thủ tóc vàng kém đi phần nào tốc độ trong từng pha chạy bóng.
Dù vậy, vượt trên hết những khiếm khuyết về mặt thể chất, hơn 20 năm chuyên nghiệp tại Man Utd, kỹ năng chơi bóng xuất chúng đã giúp Scholes xóa nhòa tất cả.
Kể từ lần đầu ra mắt cùng cú đúp bàn thắng trong trận đấu gặp Port Vale tại Cúp Liên đoàn, trong gần 20 năm sau đó, các khán giả tại Old Trafford được chứng kiến hình ảnh của một cầu thủ có nhãn quan chiến thuật siêu việt theo cùng một bộ não xử lý tuyệt vời. Từng đường chuyền, pha chọc khe đã làm nên thương hiệu của chính Scholes.
“Đối thủ khó khăn nhất tôi từng gặp ư? Đó là Scholes. Cậu ấy là tiền vệ xuất sắc nhất trong thời đại của mình”
Zidane
Là ông chủ của tuyến giữa, khiến hàng triệu khán giả phải đắm say, người yêu mến bóng đá đẹp vì thế gọi anh bằng cái biệt danh hoa mỹ “hoàng tử tóc vàng”.
Nhưng trái với hình ảnh đầy nhiệt huyết và phong thái làm chủ trên sân đấu. Rời xa thảm cỏ, Scholes trở lại hình ảnh chân chất vốn có.
Trong thời đại đồng tiền đánh bại đi lòng trung thành, câu chuyện về Scholes trở thành “của hiếm” như cách Roy Keane miêu tả: “Cậu ta không mắc bệnh ngôi sao, không thèm có người đại diện luôn, chỉ cần chơi bóng trong màu áo đỏ mà thôi.”
Tâm hồn cao đẹp của chàng cầu thủ không biết tắc bóng
Rất mạnh mẽ và luôn tràn nhiệt huyết mỗi khi ra sân, điều đó khiến Scholes phải nhận số thẻ vàng cao thứ 4 lịch sử Premier League (97 thẻ). Không ít người cho rằng Scholes là một cầu thủ có tính cách bạo lực.
Một số khác ghen ghét Scholes, chế giễu anh bằng cách đưa chàng tiền vệ người Anh vào câu hát cửa miệng: “Paul Scholes – what a player! Shame he can’t tackle” (tạm dịch: Paul Scholes – ôi một cầu thủ. Xấu hổ khi anh còn chẳng biết tắc bóng).
Tất nhiên, việc hành xử bạo lực không bao giờ xuất hiện trong tâm trí của Scholes. Chàng cầu thủ người Anh có nỗi lòng của tiêng mình: “Tôi biết tắc bóng chứ chỉ là đôi khi tôi chọn sai thời điểm. Thực lòng, tôi không cố ý làm ai bị tổn thương cả. Tôi không muốn bất kỳ một cầu thủ nào phải ngã ra sau cú tắc bóng của mình và nhăn nhó cùng đôi chân bị gãy.”
Là một con người giản dị và giàu tình cảm, đôi khi Scholes chọn gạt bỏ những ham muốn cá nhân đang sục sôi vì lợi ích của người khác.
Scholes có một cậu con trai bị mắc chứng tự kỷ, vì thế, tình cảm người cha là rất quan trọng. Để bệnh tình con trai suy giảm, Scholes không muốn phải thường xuyên xa nhà. Anh chia sẻ: “Tôi bắt đầu chơi cho tuyển quốc gia từ năm 1997 và được làm việc cùng những người giỏi nhất để tranh tài ở các giải đấu không thể quên. EURO 2004 là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng đây là thời điểm thích hợp để tôi và gia đình quyết định sẽ dừng lại.”
Với suy nghĩ đó, Scholes quyết định chia tay màu áo đội tuyển quốc gia ở tuổi 29. Nhiều người cho rằng chàng tiền vệ người Anh là hèn nhát, một số khác lấy đó là lý do đánh giá chàng hoàng tử tóc vàng mãi mãi thua kém nếu đặt cùng Gerrard hay Lampard.
Còn với Scholes, anh không có thời gian để phiền muộn, bởi ít ra anh đã sống đúng với những lý tưởng bản thân mong muốn.
Sau quyết định của Scholes, cả nước Anh tiếc nuối, trừ những người yêu mến Man Utd. Một cơ thể sung mãn giúp Scholes có thể cống hiến hết mình cho Sir Alex, cho “Quỷ đỏ” thân thương, tình yêu trọn đời của anh.
Chỉ có tình yêu với đội chủ sân Old Trafford mới khiến Scholes rút lại quyết định giải nghệ để trở lại vào năm 2012 nhằm cứu vớt một Man Utd đang khủng hoảng nhân sự trong thêm 2 mùa giải nữa.
Không ít người hâm mộ vẫn nhớ hình ảnh một cầu thủ tóc vàng chỉ vài giờ trước còn trong công tác huấn luyện đã xỏ đôi giày trị giá 40 bảng ra sân để giúp đội nhà chiến thắng Man City tại vòng 3 cúp FA năm đó.
Hơn 20 năm cống hiến hết mình, để khi dừng lại, Scholes có trong tay 11 Premier League, 2Champions League và một dòng máu “Quỷ đỏ”. Chẳng cần Quả bóng vàng nào hết, tất cả cổ động viên tại Old Trafford vẫn tôn thờ và nể phục Scholes.
Huyền thoại người Brazil, Socrates từng nói: “Tôi luôn thích thú mỗi khi được xem cậu ấy thi đấu, được nhìn cậu ấy chuyền, một cậu bé với mái tóc đỏ và và chiếc áo màu đỏ.”
Đương đầu với những thách thức mới
Chính thức treo giày vào năm 2013, Scholes đi tìm cho mình những thách thức mới, tất nhiên vẫn liên quan đến trái bóng tròn bởi đó là tình yêu lớn của cuộc đời anh.
Tháng 7/2014, Scholes ký hợp đồng làm bình luận viên cho kênh truyền hình BT Sports và từng không ngần ngại có những lời lẽ chỉ trích lối chơi nhạt nhòa của đội bóng cũ khi đó được dẫn dắt bởi HLV Louis Van Gaal.
Tờ Planet Sport nhận định: “Khi chơi bóng cậu ấy hủy diệt hàng phòng ngự đối phương bằng những đường chuyền chết người. Giờ trong cabin bình luận, cậu ấy sử dụng những ngôn từ sắc lẹm.”
Cũng giống người đồng đội Ryan Giggs, Scholes cũng bắt đầu thử sức trong nghiệp cầm quân. Sau khi cùng Nicky Butt tiếp quản đội U19 của Man Utd, hoàng tử tóc vàng có mặt trong đội ngũ huấn luyện của “Quỷ đỏ” khi Giggs trở thành HLV tạm quyền thay thế David Moyes vào tháng 4/2014.
Xa rời sân cỏ và nghiệp quần đùi áo số, giờ đây, tiền vệ huyền thoại một thời của Quỷ đỏ có nhiều thời gian hơn để thử sức trong những vai trò mới. Và công việc tư vấn cho những cầu thủ trẻ tại lò đào tạo của PVF là một trong những điều được Scholes lựa chọn.
Tài năng mê hoặc trên sân cỏ, một lòng trung thành trong tim và sống cùng tâm hồn cao đẹp, Scholes chắc chắn là hình mẫu không thể tuyệt vời hơn để những cầu thủ trẻ của Việt Nam học hỏi.