2015-12-12 07:56:38
{"phong-cach":"Phong c\u00e1ch s\u1ed1ng"}
{"du-lich":"du l\u1ecbch","yangon":"yangon"}
https://media.xevathethao.vn/images/resizing_type:fill/watermark:0.5:ce:0:0:0.3/aHR0cHM6Ly94ZXZhdGhldGhhby52bi9hcHAvdXBsb2Fkcy8yMDE1LzEyL2RhaS1kaWVuMi5qcGc=.webp

Yangon vút cao tháp vàng rực rỡ

Trước khi đến một quốc gia mới, tôi thường tìm hiểu thông tin kỹ càng để khi đến nơi, tôi có thể hòa nhập dễ hơn, cũng như hiểu hơn về đặc trưng, bản sắc và văn hóa của nơi đó. riêng Yangon trong hành trình lần này, tôi mặc định mình sẽ là “trang giấy trắng”. tạm quên đi những hình dung về một yagon-myanmar mà các guide book thường hay mô tả và phân tích, là “trang giấy trắng”, tôi ghi lên đó những cảm nhận của riêng tôi.

Yangon tháng 12 nhìn từ trên máy bay là những cánh đồng đã qua mùa gặt, còn đó những mảng vàng của gốc rơm rạ, hay những trảng cỏ khô. Nổi lên trên tấm thảm rơm và cỏ rộng lớn, là những tháp vàng rực rỡ của những ngôi chùa trong các khu làng và thành phố. Cảm giác thanh bình và trầm buồn có lẽ là ấn tượng đầu tiên của tôi trong chuyến hành trình đến đất nước vừa mới mở cửa này.

yangon

“QUỐC GIA” THANAKA

“Mingalaba”- cô Yin Yin – hướng dẫn viên địa phương gây ấn tượng bằng câu chào tiếng Myanmar khi đón chúng tôi tại sân bay. Dáng người nhỏ nhắn, trẻ trung, năng động cùng vẻ mặt sáng và hài hước, hứa hẹn chuyến hành trình thú vị gồm 5 ngày khám phá đất nước cách chúng ta 2 giờ bay. Trong trang phục longee truyền thống, điều khiến nhiều thành viên trong đoàn chú ý là trên gò má của cô có một “cái gì đó” màu vàng trắng nhạt. Không chỉ cô hướng dẫn đoàn chúng tôi mà rất nhiều người khác cũng có “cái gì đó” tương tự trên khuôn mặt. Tôi tìm hiểu thì biết rằng đó là bí quyết chống nắng ở đất nước chùa tháp hiền hòa này.

Thanaka (Hesperethusa crenulata) – xuất hiện và được sử dụng rất lâu ở Myanmar, trước kia là vùng đất Burma, khoảng hơn 2000 năm trước, chính thức được nhắc tới vào khoảng thế kỷ XIV dưới thời vua Razadarit, là loại bột được tạo từ vỏ cây địa phương. Ở Myanmar, Thanaka được dùng như mỹ phẩm tự nhiên bôi lên mặt, chống lại thời tiết oi bức, đặc biệt vào những ngày hè tháng Tư, là một trong những bí quyết giúp cho da mặt tươi trẻ, chống lại mụn và sự lão hóa. Bằng giọng điệu thích thú pha lẫn tự hào, cô hướng dẫn viên tỏ ý muốn chúng tôi thử bôi một ít Thanaka lên mặt. Cảm giác mát lạnh khi thoa Thanaka phần nào làm chúng tôi quên đi cái nắng hơn 30 độ ngoài trời Yangon. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều cửa hàng ven đường hay trong các khu chợ, người dân bày bán những khúc gỗ nhỏ, kèm theo dụng cụ mài. Theo Yin Yin, người dân ở đây rất quí trọng loại đặc sản này, chúng thường được để trên những nơi cao ráo và sạch sẽ của khu nhà. Dân địa phương cũng thích tự mài những khúc gỗ nhỏ, lấy nguyên liệu tự nhiên từ vỏ, thân hay gốc cây Thanaka vào mỗi buổi sáng, hơn là mua sẵn ngoài chợ.


yangon

Thanaka trên gương mặt là một nét đặc trưng khó nhầm lẫn giữa người dân Myanmar và các dân tộc khác trên thế giới. Trong cơn lốc đô thị hóa diễn ra nghẹt thở khắp nơi trên thế giới, Yangon – một đô thị vào loại lớn nhất của đất nước này, Thanaka tự nhiên vẫn được sử dụng rộng rãi như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người Myanmar, là nét truyền thống được kết tụ và truyền lại qua bao đời.

VIÊN KIM CƯƠNG KỲ ẢO

Lịch tham quan chính của chuyến đi là những ngày đi viếng chùa. Chúng tôi được thông báo nên chuẩn bị trước những đôi dép, để có thể thuận tiện hơn khi đến những điểm tham quan. Ở bất cứ một ngôi chùa nào, người dân địa phương và du khách đều phải cởi giày dép và cả vớ ngay từ cổng.

Có nhiều ngôi chùa rất đẹp, nổi nhất trong số đó là chùa Shwedagon, ngôi chùa được mệnh danh là đẹp và linh thiêng nhất Yangon và cả Myanmar.

yangon

Chùa Shwedagon hay còn gọi là chùa Vàng vì kiến trúc tháp stupa được dát vàng rực rỡ, và vì chữ Shwe trong Shwedagon có nghĩa là vàng. Tên gọi này cũng nhắc đến tên gọi một thời vàng son của đất nước này, khi đó được gọi là Dagon – the Golden Land. Nằm trên đỉnh đồi Singuttara, tháp vàng cao 98 mét của chùa trở nên rực rỡ và lộng lẫy hơn vào buổi chạng vạng. Có bốn lối vào chính từ phía Đông, Tây, Nam, Bắc, chùa Shwedagon lúc nào cũng đông đúc những tín đồ hành hương và du khách.

Ngôi chùa này là nơi lưu giữ những báu vật thiêng liêng của Phật giáo, một trong số đó là xá lợi 8 sợi tóc của Đức Phật. Chùa được cho là xây dựng trước khi Đức Phật tịch diệt, khoảng 2500 năm trước. Trên búp kim cương của tháp vàng là viên kim cương 76 cara, có thể được nhìn thấy phát sáng trong đèn chiếu từ dưới chân tháp hay nơi nào rất xa như từ hồ Kandawgyi. Chọn cho mình một vị trí phía sau đèn chiếu, cứ mỗi bước chân dịch chuyển về phía trước, màu sắc của viên kim cương biến chuyển rất kỳ ảo.

Di chuyển theo chiều kim đồng hồ quanh tháp, mỗi thành viên chúng tôi tìm đến nơi thờ các tượng Phật bảo hộ theo ngày sinh của mình. Có 8 góc tượng Phật ứng với các ngày sinh trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Bảy, riêng thứ Tư có riêng buổi sáng và buổi chiều. Đến đúng khu vực của mình, cũng như những người dân Myanmar khác, tôi nghiêm trang đảnh lễ, dâng lên những vòng hoa lài nhỏ được chuẩn bị từ ngoài cổng. Sau đó, tôi dùng nước mát tưới vào tượng 3 lần để bày tỏ lòng thành.

TẢNG ĐÁ VÀNG LINH THIÊNG

Yangon tháng 12, trên đoạn đường di chuyển từ trung tâm thành phố về bang của người Môn (Mon State), là những cánh đồng đã qua mùa gặt. Ánh sáng buổi sớm chiếu trên những gốc rạ còn sót lại, trên lưng những con trâu đang gặm cỏ, lấp lánh trên những tháp vàng xa xa, khung cảnh miền quê Myanmar thật yên bình.

Sau bốn tiếng đồng hồ chạy xe, tôi đến khu vực chân núi Kyaikhtiyo. Đoạn đường lên đỉnh núi, nơi có tảng đá vàng, khá dốc và khúc khuỷu, đoàn tôi phải đổi sang xe tải chuyên dụng dành cho cung đường đặc biệt này. Chúng tôi ngồi sau thùng xe, với những hàng ghế được lắp những tấm nệm mỏng, nón mũ buộc chặt, sẵn sàng leo dốc. Cảm giác gần giống như đi tàu lượn, xuyên qua những đoạn đèo bao phủ nhiều cây gỗ lớn như teak… Sau 30 phút di chuyển, không khí dịu mát của buổi xế chiều trên đỉnh núi cao khoảng hơn 1000 mét làm tôi đỡ mệt.

Nhìn từ xa, tảng đá to lớn màu vàng rực rỡ, bật lên trong ánh nắng chiều. Tảng đá thiêng này nằm cheo leo trên một bệ đỡ là một tảng đá lớn khác, gần như có thể đổ xuống nếu có bất cứ tác động nào. Theo một phân tích khoa học nào đó, trọng tâm của tảng đá vẫn nằm trong phạm vị an toàn, giúp tảng đá linh thiêng có kích thước khoảng 7-8 vòng tay người ôm có thể vững vàng trụ lại trên bề mặt. Tuy nhiên, theo góc nhìn tâm linh, người dân ở đây tin rằng xá lợi tóc của Đức Phật được thờ ở đây đã giúp cho tảng đá trụ lại an toàn, dù nơi này từng xảy ra nhiều trận động đất.

Theo chân những người khác, tôi mua những tấm vàng mỏng dát vào tảng đá. Ở những ngôi chùa khác, phụ nữ có thể dát vàng vào tượng Phật để thể hiện lòng thành. Riêng ở đây, chỉ có đàn ông mới được chạm vào tảng đá, phụ nữ chỉ được đứng nhìn từ xa. Quanh tảng đá, vài người đàn ông dựa đầu vào, lầm rầm cầu nguyện, những người khác miệt mài dán những tấm vàng mỏng lên trên bề mặt tảng đá thiêng.

yangon

Tôi thật sự cảm nhận một giá trị tinh thần và niềm tin lớn lao mà người dân nơi đây dành cho những sức mạnh vô hình. Riêng ngôi chùa này, ngoài tháp stupa, những vị Phật, tôi còn bắt gặp vài tượng thần theo tín ngưỡng dân gian, là những hộ pháp mà người ở đây gọi là Nat. Trong tín ngưỡng của người Myanmar, những Nat này được thờ phượng rộng rãi. Họ tin rằng ở khắp nơi đều có những Nat bảo vệ cho cuộc sống yên bình, ấm no của họ. Có nhiều ý kiến tranh cãi rằng đạo Phật ở Myanmar và tín ngưỡng dân gian này là hai dạng tín ngưỡng riêng biệt, hay chỉ là hai thể của một phần tín ngưỡng gốc. Tuy vậy, phải công nhận rằng, sự tín ngưỡng và tôn thờ những sức mạnh siêu nhiên khá phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng đức tin của người dân Myanmar. Dưới thời vua Anawrahta (1044 – 1077), ở Bagan có khoảng 37 Nat được công nhận. Khi Phật giáo phát triển rộng rãi, hai dạng tín ngưỡng này dường như có phần ảnh hưởng và hòa trộn vào nhau.

Những Nat phổ biến nhất là taw saung nats (những vị hộ pháp của khu vực rừng núi) hay taung saung nats (những vị hộ pháp của núi đồi) được thờ phượng rất nhiều, như là một cách để chống lại sức mạnh, cũng như có thể chung sống hài hòa, hữu hảo với tự nhiên.

ĐÊM YANGON

Dạo quanh các khu phố gần khách sạn trong thành phố Yangon lúc 9 giờ 30 tối, siêu thị điện máy và cửa hàng quần áo nhỏ gần đó cũng đang dần dọn dẹp. Đối diện tòa thị chính là công viên trung tâm với các cặp đôi chia sẻ những câu chuyện tình dường như không có hồi kết. Màu thời gian in đậm trên những tòa nhà có từ thời thuộc địa Anh ở thế kỷ 19, càng cũ xưa hơn trong ánh sáng yếu ớt trang hoàng cho Giáng sinh và năm mới. Trong khu vực trung tâm nhất thành phố, chỉ còn một số ít công nhân đón những chuyến xe buýt “hợp pháp” trong ngày để về nhà. Nói là hợp pháp bởi vì sau thời gian hoạt động chính thức, sẽ có những xe khách sẵn sàng đón khách với giá cao hơn chút.

Trong khu chợ thưa thớt chỉ còn vài hàng quán bán đồ chiên và một cửa hàng tiện lợi hiếm hoi trong dãy phố, tôi chú ý những bàn chữ nhật nhỏ, nơi các đấng mày râu Myanmar trong trang phục truyền thống thư thả ngồi nhai trầu, say sưa những câu chuyện cuối ngày. Ăn trầu là thói quen được truyền lại từ bao đời nay ở Myanmar, nhưng so với ở Việt Nam, chuyện ăn trầu không chỉ dành cho các bà, các cô, mà chủ yếu dành cho các anh thanh niên. Những miếng trầu “là đầu câu chuyện” được têm đơn giản và được bày bán như một món hàng, bên cạnh những dãy nhà chung cư khá cũ với những dãy cầu thang khó có thể nhỏ hơn. Trước những khu nhà đó, hay trung tâm thương mại, là những máy phát điện to đùng trấn ngữ. Thỉnh thoảng, vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện ở khu trung tâm, nên những chiếc máy công suất lớn như vậy phát huy tối đa tầm quan trọng của nó. Khách sạn chúng tôi ở cũng có đôi lần “tắt điện để giảm tải”.

Có thể sau vài năm nữa, Myanmar sẽ khác xa hiện tại, nhưng chuyến hành trình của tôi lần này không quá muộn để còn có thể bắt gặp những gì gọi là đặc trưng, là bản sắc riêng của đất nước có một quá khứ vàng son này. Hy vọng ngày trở lại, tôi vẫn nhận được câu chào “Mingalaba” thân quen, được bôi kem Thanaka chống nắng, được nhìn thấy những đỉnh tháp thiêng vút cao lấp lánh trong ánh nắng chiều rực rỡ.

Thông tin cho bạn:

Ăn

  • Thức ăn khá dễ ăn, có một chút vị của người Thái. Những quầy hàng bán đồ chiên và súp có thể dễ dàng tìm thấy ở các khu chợ.
  • Dân địa phương chủ yếu là uống trà nhưng cũng có một số quán cà phê pha chế dành cho giới trẻ, gần khu công viên trung tâm hay khu chợ Bogyoke
  • Có một loại gia vị gần giống như muối tôm ở Việt Nam, cay hoặc không cay được bày bán trong các khu chợ, được dùng chung bánh phồng tôm hay với cơm khá ngon, có thể mua về làm quà.

Đi lại:

  • Ở Yangon di chuyển bằng xe taxi cũng khá thuận lợi tuy nhiên không có meter mà chỉ ước lượng quãng đường di chuyển. Giá cả tương đối phải chăng dù chi phí sinh hoạt ở quốc gia này cũng khá đắt đỏ (so với thu nhập).
  • Nên mang theo danh thiếp khách sạn vì Myanmar có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Các tài xế taxi có thể nói được đôi chút tiếng Anh nhưng tốt nhất mang theo danh thiếp.

Mua sắm:

  • Khu chợ Bogyoke là nơi thuận tiện để mua các món đồ về làm quà, từ Thanaka cho đến các món hàng làm bằng đá quý.
  • Gần khu chợ có các quầy hàng bán các bức tượng hay món đổ cổ, tuy nhiên cần cân nhắc vì Myanmar hạn chế hoặc kiểm tra rất nghiêm các món đồ cổ khi qua hải quan.

Chơi:

  • Myanmar không sôi nổi cho các hoạt động về đêm nhưng cũng có một vài quán bar bạn có thể ghé qua để trò chuyện cùng bạn bè như Union hay Fish Market…

Dona Lê

Bài viết mới nhất

“6 người này vào nhà, của cải nhiều mấy cũng trôi đi hết”, người xưa dạy không bao giờ sai

6 người này đến nhà, dự báo gia đình đó sẽ gặp nhiều tai họa khôn lường.Gia đình là nơi mà các thành viên...

Real Madrid xem như chốt được người thay thế Carvajal

Dani Carvajal vẫn là sự lựa chọn số một ở vị trí hậu vệ phải của HLV Carlo Ancelotti, đặc biệt khi anh đã...

“Nhà có 3 loạn, con cháu không bao giờ giàu sang”, đó là 3 loạn gì?

Nếu một nhà có 3 loạn dưới đây, con cháu rất khó có cuộc sống giàu có, sung túc sau này.Xưng hô lộn xộn Trong...

Chưa 1 ngày làm vua nhưng ông có 3 người con, 2 người cháu từng giữ ngai vàng: Ông là ai?

Triều đại nhà Nguyễn tồn tại qua 13 đời vua, trong đó có tới 5 vị vua đều là con và cháu của người...

“5 thứ được cho, thân thiết mấy cũng đừng nhận”, người xưa dạy không bao giờ sai

Người xưa cho rằng đây là 5 thứ không nên nhận từ người khác một cách dễ dàng.Có những câu nói dân gian từ...